Dân xóm Bản Lá xưa nay vốn hồn hậu nồng nhiệt, khách đến chơi nhà nào cũng thành khách của cả xóm. Cái nếp ấy không chỉ được truyền lại từ ông cha mà còn được vun đắp bởi thời gian và lịch sử. Chả là Bản Lá thời kháng chiến được nhiều cơ quan Trung ương, các đơn vị quân đội đặt trụ sở, tình quân dân thắm thiết. Ngày ấy, xóm chỉ có hơn chục nóc nhà, dân cư thưa thớt nhưng vẫn sẵn lòng bao bọc sẻ chia cho các cơ quan, nhà nào nhà nấy vang tiếng cười tiếng hát, cùng phát cây dựng lán trại, cùng trồng sắn trồng rau.
Kháng chiến thắng lợi, các cơ quan rời chiến khu để về tiếp quản Thủ đô, để lại biết bao tình cảm sâu nặng với xóm Bản Lá, những gia đình đồng bào giờ đã thành người nhà của họ. Người đồng bào vốn quý trọng tình cảm, một lời đã nói ra thì sẽ giữ suốt đời.
Uống nước nhớ nguồn, những năm sau này người của các cơ quan đều đã quay trở lại Bản Lá, trước là để thăm hỏi các gia đình kết nghĩa, sau là có những hoạt động tri ân nơi đã từng cưu mang thời gian khó. Những mái trường khang trang mọc lên để con cháu được học hành bằng bạn bằng bè. Bên những đồi cọ, nhiều ngôi nhà xây kiên cố đã mọc lên thế chỗ những ngôi nhà tre nứa lá. Xóm Bản Lá mỗi ngày mỗi khác.
Lại nói nhà cụ Triệu, có đến chín người con, năm dai bốn gái. Gái đi làm dâu không tính, năm dai lấy vợ về sẽ thành ra năm nhà, phải cho ra ở riêng bảo ban nhau khác làm khác ăn chứ không ở chung được. Đất cha ông xưa rõ là mênh mông bạt ngàn, cả một cơ quan dựng trụ sở còn được, nay chia năm sẻ bảy đâm ra thành chật hẹp. Đấy, cả quả đồi nhà cụ, trước làm không xuể, giờ mỗi anh đủ dựng cái nhà và làm được vườn chè. Ở miền núi, đất là tài sản, nhiều đất là tự giàu. Trước đây thì mọi thứ đều trông vào rừng. Giờ vẫn trông vào rừng, bán cây bán cối, rồi có đất mà chăn thả đàn trâu. Gia đình cụ Triệu xưa nay vốn đủ ăn đủ mặc nhờ luôn chân luôn tay, đấy, nào rừng, nào đồi, nào ao, không bao giờ thiếu đói. Nhưng nói giàu thì khó. Miệng ăn núi lở, gia đình hơn chục người, rồi giỗ chạp, rồi dựng vợ gả chồng cho các con ra ở riêng.
Cụ Triệu cũng đã bàn tính với các anh con trai, ngoài phần đất của anh Cả và anh Hai đang ở nhà không tính, còn phía Bắc giáp nhà ông Thân là của vợ chồng thằng Ba, phía Đông giáp nhà bá Sửu phần thằng Tư, thằng Năm thì ở luôn nhà này cùng bố mẹ.
Tính là thế, nhưng bao năm làm lụng nuôi đàn con, dựng được nhà cho hai thằng lớn thì cụ hết lực. Vợ chồng thằng Ba có hai đứa con, đứa lớn lên tám, đứa nhỏ lên năm. Ở cùng ông bà có cái lợi là có người trông trẻ, chỉ việc đi làm nhưng cũng có nhiều bất lợi. Nhà chật, ra chung vào đụng, trên có bố mẹ, dưới có các em nên sinh hoạt cũng không được thoải mái. Cụ định bụng cuối năm mấy con trâu ghé được tuổi bán, vay mượn thêm để làm cái nhà cho vợ chồng nó ra ở riêng để còn tính tiếp chuyện cho thằng Tư.
Thế rồi vào một ngày đẹp, dân xóm thấy nhà cụ Triệu cùng với mấy người có dáng vẻ cán bộ cơ quan Trung ương ra đo đạc trên đồi chè, nơi dự định chia cho anh Ba anh Tư. Cụ đi lại thoăn thoắt như thanh niên, chỉ chỗ này chỗ kia. Thì ra xưa kia cơ quan báo Trung ương đặt trụ sở tại khu đồi nhà cụ. Nơi này là hội trường để các anh chị nhà báo, phóng viên hội họp. Nơi kia là khu làm việc, vẽ báo, in báo. Thời ấy công nghệ còn thô sơ lắm, các bác ấy còn dùng cả quả chanh vào việc vẽ với in báo đấy, nhà tôi là cứ đi xin hàng rổ đem về ủng hộ ấy chứ. Cười khà khà, cụ Triệu kể tiếp, mà hồi ấy đi phát báo cứ gánh như gánh gạo ấy, gánh báo từ nhà in để chuyển đi các nơi phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền đấy. Nhờ thế mà thông tin kịp thời đến mọi nơi góp phần vào thắng lợi đấy. Cụ Triệu vuốt chòm râu đầy vẻ tự hào.
Sau vài tháng xây dựng, phần lớn diện tích đồi chè nhà cụ Triệu đã thành một công trình rất đẹp và khang trang, gồm bia di tích lịch sử cấp quốc gia và nhà trưng bày truyền thống của Báo. Huyện và lãnh đạo Báo đã chọn khánh thành đúng vào Ngày Quốc khánh. Gần sáu mươi năm qua, Bản Lá mới lại đón nhiều người đến như vậy. Hàng nghìn nhà báo trở về cội nguồn, nơi cha anh họ đã công tác, nơi đồng bào đã hết lòng bao bọc cưu mang.
Thế rồi không chỉ xóm Bản Lá mà cả các xóm xã khác của huyện, của tỉnh liên tục xuất hiện trên các báo. Thôi thì đủ mọi chủ đề, nào là cảnh thiên nhiên đẹp, môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa độc đáo… Thế rồi không chỉ có các nhà báo đến xóm Bản Lá mà rất nhiều đoàn du lịch và những người đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhà dân bắt đầu cải tạo nhà để làm du lịch cộng đồng, sản phẩm quê làm ra không kịp bán, trứng vừa chui ra khỏi bụng gà còn nóng hôi hổi khách đã đợi lấy. Xóm Bản Lá thực sự cất cánh trở thành nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.
Cụ Triệu đã già yếu, tai không còn nghe rõ nhưng vẫn rất hay chuyện. Vợ chồng anh Năm vẫn ở với cụ trong ngôi nhà sàn gỗ. Phần đất định làm nhà cho anh Ba và anh Tư đã được tặng để Báo xây nhà truyền thống nên hai anh đã mua đất ở bìa rừng để dựng nhà. Khu đó gần suối và thác sáu tầng, phía sau lại là rừng cây quanh năm mát mẻ nên có nhiều khách du lịch đến ăn nghỉ lại. Anh Ba và anh Tư trở thành những người làm du lịch đầu tiên của xã và làm ăn rất khấm khá.
Bây giờ, nhà truyền thống đã trở thành địa chỉ về nguồn của các thế hệ người làm báo. Mỗi khi trở về, sau khi tham quan di tích và nhà trưng bày, họ lại vào nhà cụ Triệu uống nước chè và trò chuyện với cụ, vẫn vẹn nguyên tình cảm như ngày nào.