Thủ tướng khẳng định, các ngành, địa phương, nhất là các thành viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số phải thấm nhuần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số. Nghị quyết đã xác định rất rõ, chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả người dân đặc biệt quan tâm tới chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác chuyển đổi số trong cả nước có chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản các tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương đã thành lập được các ban chỉ đạo, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.
Trong đó, Thái Nguyên là một trong những địa phương khởi động chương trình chuyển đổi số rất sớm. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về nội dung này từ cuối năm 2020 với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực. Nhiều ứng dụng số đã được triển khai hiệu quả trở thành các giải pháp quan trọng phục vụ 3 trụ cột chính của chuyển đổi số ở địa phương. Năm 2021, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh thành về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, không phải địa phương, đơn vị nào cũng làm tốt công tác chuyển đổi số. Một số nơi vẫn còn chưa thật sự quan tâm, cá biệt còn trường hợp chính quyền xem nhẹ chuyển đổi số, người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ số ở mức cao…
Chính vì thế, theo Thủ tướng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề, cần phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Chính điều này sẽ tạo thuận lợi để triển khai cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thật sự quyết liệt, không để bệnh hình thức kéo chậm quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển đất nước là rất quan trọng. Theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững trong thời đại công nghệ số cần một không gian phát triển mới, tài nguyên mới, hạ tầng mới. Ở Trung Quốc, năm 2020 kinh tế số chiếm gần 40% GDP, trong khi nước ta mới chỉ chiếm khoảng 1% trong năm 2021.
Điều này cho thấy, không gian phát triển mới của chúng ta còn rất lớn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của đổi mới sáng tạo và của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số hội tụ cả bốn sức mạnh của thời đại, sử dụng nó sẽ tạo ra sự phát triển đột phá. Đây chính là cơ hội rất lớn để chúng ta bứt phá.
Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ công việc phục vụ chuyển đổi số ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực còn thiếu, trong đó thiếu nhất là nguồn lực con người. Mà con người làm chủ toàn bộ trong chiến lược phát triển các trục cột của chuyển đổi số.
Bởi vậy, khi giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với tinh thần cao nhất. Người đứng đầu, người chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị cần đảm bảo các yếu tố sau: "Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”.
Như vậy, với quyết tâm cao của người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, không thể có tư tưởng thờ ơ, hình thức hoặc thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.