Cập nhật: Chủ nhật 15/05/2022 - 15:17
Sản xuất linh kiện điện thoại thông minh phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Sản xuất linh kiện điện thoại thông minh phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Việt Nam đang xuất siêu trong giao thương quốc tế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc vị thế này luôn được duy trì. Xét về lâu dài, yêu cầu đặt ra là cần xác lập sự cân bằng về xuất - nhập khẩu, mà chủ yếu là chủ động tạo lợi thế cho xuất khẩu; tập trung khai thác tốt các điều kiện, cơ hội để phát triển thị trường, phát huy thế mạnh của từng mặt hàng xuất khẩu…

Gạn đục, khơi trong về thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã xuất siêu 2,5 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022. Đây là kết quả khả quan, cho thấy sự lớn mạnh và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất siêu đã trở thành “đặc điểm” của Việt Nam hiện tại và trong tương lai, khi nền kinh tế đang vận hành hướng về xuất khẩu. Vì vậy, câu chuyện không phải là nỗi lo nhập siêu mà là làm sao khai thác được hết cơ hội, tăng xuất khẩu, thu về hiệu quả cao nhất trong giao thương quốc tế. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo lợi thế trong xuất khẩu, trước hết cần khai thác hợp lý, tối đa các yếu tố thuận lợi về thị trường, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. 

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước Đông Nam Á và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là nhân tố mới mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, 90-92% dòng thuế của hàng hóa Việt Nam sẽ sớm được xóa bỏ là điều kiện rất tốt để gia tăng xuất khẩu hàng Việt sang thị trường RCEP chiếm tới khoảng 30% dân số và 30% GDP toàn cầu.

Theo Giám đốc Trung tâm Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, RCEP là con đường thuận lợi cho giao thương giữa các thành viên. Doanh nghiệp có thêm lựa chọn tùy thuộc hiện trạng, nguồn cung, cách thức sản xuất để hưởng ưu đãi thuế quan và điều kiện phi thuế quan, hay còn gọi là quy tắc xuất xứ nội khối, theo hướng có lợi nhất.

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết, doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các thành viên FTA để sản xuất, xuất khẩu sang các thành viên nội khối và đều được hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngược lại, việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho các đối tác thông qua loại bỏ hàng rào thuế quan cũng tạo cơ hội cho hàng hóa nhập khẩu. Thực tế này về lý thuyết có khả năng làm gia tăng nhập khẩu, nhưng cũng không quá lo ngại bởi đến nay giá trị nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn thuộc về nhóm vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, trong đó một phần không nhỏ nhằm sản xuất hàng xuất khẩu.

Khai thác cơ hội về hàng hóa
Các cơ hội vẫn hiện diện nhưng để biến thành hiệu quả thực tế lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nội lực của doanh nghiệp thuộc những ngành có thế mạnh như sản xuất điện thoại, hàng điện tử, dệt may... Đó là thực tế để phát huy khi trong 4 tháng qua có 22 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Đánh giá tiềm năng của ngành Dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, các FTA tạo thêm cơ hội cho ngành mở rộng xuất khẩu nhưng mỗi đơn vị cần đầu tư chiều sâu, tận dụng ưu đãi, khai thác tốt thị trường...; đơn cử như nhập khẩu nguồn nguyên liệu với giá ưu đãi phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Ngành Dệt may đặt mục tiêu năm 2022 đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43 tỷ USD một phần dựa vào các lợi thế đến từ các FTA.

Trong khi đó, xuất khẩu nông, thủy sản cũng đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh do mức cầu trên thế giới tăng. Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng qua đạt 3,57 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ nhu cầu thế giới hồi phục và tăng cao, doanh nghiệp đã ký được những hợp đồng giá trị cao, đem lại lợi ích lớn.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã tăng 3 đợt, với tổng mức tăng thêm 17 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 415 USD/tấn. Vì thế, doanh nghiệp cần nắm chắc xu hướng này khi đàm phán, ký hợp đồng để tối đa hóa lợi nhuận.

Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Đôn cho rằng, việc giá gạo và sản lượng xuất khẩu tăng là tín hiệu đáng mừng. Xuất khẩu gạo khởi sắc một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các thị trường, đặc biệt ở hai thị trường lớn châu Á và châu Phi, đều tăng trở lại.

Nhìn chung, cần nhìn nhận xuất, nhập khẩu một cách toàn diện cũng như đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế. Tác động lớn nhất là khi mở rộng quy mô sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tăng kim ngạch các nhóm hàng xuất khẩu; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh, sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế.


Theo Báo Hà Nội Mới