Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Phụ tùng máy số 1, thuộc phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) đạt được những kết quả tích cực. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, doanh thu của đơn vị đạt 400 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021), giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Trần Đức Hưng, Phó Giám đốc Công ty: Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương. Trước hết là an ninh trật tự luôn đảm bảo, công tác quản lý người lao động tại nơi cư trú cũng được thực hiện khá tốt, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động của DN. Vừa qua, từ những kiến nghị, đề xuất của Công ty, TP. Sông Công đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn sơn vạch kẻ đường, hỗ trợ phân luồng giao thông, nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình di chuyển từ nhà xưởng tới khu vực để xe của đơn vị...
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Với những yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, thời gian qua, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để các DN có định hướng phát triển phù hợp. Hằng năm, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi, đối thoại nhằm lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN. Đồng thời, phát huy tối đa vai trò quản lý, điều hành của Hội DN địa phương trong việc kết nối giữa DN với chính quyền, giữa DN với DN. Tạo cơ hội cho các DN trong và ngoài địa bàn giới thiệu hình ảnh và bán sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm; ký kết các hợp đồng kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại...
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng được TP. Sông Công coi là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành rà soát để tham mưu điều chỉnh hoặc loại bỏ những TTHC không phù hợp, gây phiền hà đến hoạt động của các DN thuộc thẩm quyền. Đặc biệt là các TTHC liên quan trực tiếp đến quyền lợi của DN như: Đăng ký kinh doanh, môi trường, thuế…
Ngoài ra, một trong những giải pháp được thành phố đưa ra, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đó là quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở này, TP. Sông Công đã thực hiện rà soát quỹ đất, ưu tiên bố trí mặt bằng cho các dự án phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 9ha để thực hiện các dự án, với tổng kinh phí hỗ trợ, bồi thường trên 60 tỷ đồng. Đối với từng dự án, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban liên quan. Lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên đồng hành với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ông Kang Bo Hyung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Doosun Việt Nam (thuộc Cụm công nghiệp Nguyên Gon, phường Cải Đan), đánh giá: Năm 2018, chúng tôi đề nghị mở rộng quy mô sản xuất thêm 1,4ha và đã được các cấp, ngành chức năng của tỉnh, TP. Sông Công phối hợp giải phóng mặt bằng, bàn giao đất trong thời gian sớm nhất để xây dựng nhà xưởng. Đến nay, đơn vị đã có 5 nhà xưởng hoạt động hiệu quả, thu hút hơn 1.000 công nhân. Đặc biệt, cuối năm 2019, Công ty TNHH Doosun Việt Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận là nhà đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Nguyên Gon với số vốn 94 tỷ đồng. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tích cực phối hợp với DN để hoàn thiện các thủ tục đề nghị mở rộng Cụm công nghiệp thêm khoảng 20ha.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, TP. Sông Công được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã trở lại bình thường, các DN đang từng bước khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 23 DN đăng ký thành lập mới (tăng 13 DN so với cùng kỳ năm trước). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 2.354 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 10,4%. Hiện, TP. Sông Công đang tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào 4 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy đã đạt từ 60% đến hơn 80%...