Cập nhật: Thứ sáu 27/05/2022 - 12:24
Được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) hoạt động hiệu quả. Ảnh: T.L
Được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) hoạt động hiệu quả. Ảnh: T.L

Tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh: Những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ và các cấp, ngành đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực. Điều này mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước, được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Minh chứng rõ nhất là chỉ số PAR index đạt trung bình 86,37% - là năm có giá trị trung bình cao nhất từ khi đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính; chỉ số SIPAS cũng cao nhất trong những năm qua với tỷ lệ 87,16%.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức cho thấy Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước quyết tâm xây dựng một nền hành chính minh bạch, có trách nhiệm giải trình, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là chất lượng và hiệu quả xây dựng thể chế, chính sách đã được quan tâm, chỉ đạo một cách rất đồng bộ và quyết liệt. Xét trong 10 năm đánh giá, chỉ số cải cách hành chính liên tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình năm 2021 cao hơn 10,69% so với năm 2012.

Điểm nổi bật là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở mức 76%, tăng rất nhanh so với năm 2020 chỉ đạt 30%. Một số địa phương duy trì thứ hạng cao như: Quảng Ninh, Hải Phòng…phản ánh sự ổn định và chính xác trong đánh giá.

Thái Nguyên thuộc nhóm các địa phương được đánh giá cao cả 2 chỉ số PAR index và SIPAS. Cụ thể, tỉnh xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính với tổng số 89.20%, tăng 3.59% và tăng 6 bậc so với năm 2020; đứng thứ nhất trong số các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Thái Nguyên cải thiện thứ hạng Chỉ số PAR index.

Về chỉ số hài lòng của tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh xếp thứ 11 với 89.42%, tăng 1.76% và tăng 11 bậc so với năm 2020. Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tính trên bình diện chung cả nước, chuyển đổi số cũng được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy cải cách hành chính. Khảo sát cho thấy, 3 nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.

Lời giải cho việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục trong bối cảnh hiện nay chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên nền tảng trực tuyến. Bởi lẽ, chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện rõ rệt về thủ tục, tức giảm việc mà còn giảm người, giảm chức danh để từ đó tinh giản bộ máy các cơ quan hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

N.H