Cập nhật: Thứ hai 30/05/2022 - 07:33
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn hội viên mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn thông qua internet.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn hội viên mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn thông qua internet.

Chuyển đổi số đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Tuy mới, nhưng đại đa số nông dân đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Thiết bị hỗ trợ cho những "nông dân số" giản đơn là bằng chiếc điện thoại thông minh hay hiện đại hơn là hệ thống công nghệ điều khiển tự động.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Mạnh Hà giải thích: Chuyển đối số trong ngành Nông nghiệp, người nông dân là chủ thể chính. Bởi họ trực tiếp tiếp cận với khoa học kỹ thuật; ứng dụng công nghệ máy móc, thông tin; quản lý quy trình sản xuất và đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử.

Thực tế những năm gần đây, nhiều nông dân đã chủ động tiếp cận, ứng dụng, số hóa một số công đoạn sản xuất. Phổ biến nhất là việc giới thiệu quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi và quảng bá sản phẩm qua chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội. Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, có không ít nông dân tích tụ được một diện tích đất đai phù hợp để sản xuất trang trại đã chủ động đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Theo đó là phương thức canh tác truyền thống, thủ công trước đây của nông dân đã thay đổi, chuyển sang dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Một trong những điển hình trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tại Thái Nguyên phải kể đến Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Công ty chuyên sản xuất nấm các loại. Để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhiều công đoạn sản xuất như ươm tạo, nuôi cấy giống, sấy nấm đều được Công ty đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc tự động điều khiển bằng máy tính.

Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, cho biết: Sản lượng nấm của Công ty đạt 100 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước. Số lượng đơn hàng lớn như vậy nhưng hầu hết các giao dịch của chúng tôi đều được thực hiện thông qua internet, kể cả thanh toán tiền hàng.

Nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm hoa thiên lý của gia đình ông Hoàng Văn Thắng, xóm Đồng Đình, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) qua mạng xã hội.

Còn bà Dương Thị Hạnh, ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chia sẻ: Đầu tư công nghệ ban đầu đòi hỏi có nhiều vốn. Nhưng hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống… Đỡ lời vợ mình, ông Nguyễn Văn Đường nói: Trang trại của gia đình tôi làm 2 việc, chăn nuôi gà bố mẹ và ấp trứng gia cầm. Công việc cho gà ăn, uống nước, hệ thống ánh sáng, máy móc ổn định nhiệt và hệ thống làm mát đều được tự động hóa. Với khâu ấp trứng gia cầm, gia đình tôi mới đầu tư lò ấp giàn đảo tự động thay thế giàn bập bênh, nhờ đó tỷ lệ trứng ấp nở đạt gần 100%.

Nông nghiệp hiện đại, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của đại đa số nông dân. Thành quả số hóa sản xuất giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, giá thành hạ, nhưng chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng (Đại Từ) cho hay: Sau mỗi ngày làm việc, các thành viên của HTX phải lấy sổ để ghi chép nhật ký sản xuất. Nhưng đó là chuyện trước đây. Hiện chúng tôi đã cập nhật trực tiếp trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Khi cần, chúng tôi có thể chia sẻ lập tức trên không gian mạng hoặc nhóm chung.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh, đúc kết: Phổ biến nhất hiện nay là khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm, hộ nông dân có thể chia sẻ hình ảnh toàn bộ các quy trình, công đoạn sản xuất chính xác đến từng giây để bạn hàng yên tâm hợp tác.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, hơn 90% hộ nông dân trong tỉnh đã có điện thoại thông minh. Ngoài gọi, nghe, nhắn tin… bà con đã biết ứng dụng một số tiện ích của điện thoại thông minh vào việc chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, sản phẩm nông sản của gia đình cần bán qua mạng xã hội. Đây là một thuận lợi trong công tác chuyển đổi số, và… số hóa nông dân.

Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mỳ, bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (Võ Nhai), tự hào: Nhờ chiếc điện thoại thông minh, sản phẩm của chúng tôi được quảng bá và giới thiệu đến với người tiêu dùng trên nhiều miền đất nước. Hội Nông dân tỉnh cũng biết đến chúng tôi và lựa chọn sản phẩm bún khô của HTX là một trong 20 nông sản của tỉnh Thái Nguyên tham dự Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại tỉnh Sơn La.

Để giúp nông dân thuận lợi trong chuyển đổi số, đến nay, hầu hết các xã của tỉnh đã thành lập được tổ chuyển đổi số. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho hơn 60.000 nông dân, trong đó gần 55.000 người được cung cấp tài khoản thanh toán số, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn...

Số hóa - đồng nghĩa với việc mở rộng cánh cửa cho nông dân, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp được kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài địa phương. Trên cơ sở đó, hàng hóa nông sản của nông dân không phải qua khâu trung gian, mà đến thẳng với người tiêu dùng, góp phần tránh tồn đọng nông sản vào thời gian cao điểm thu hoạch.

Phạm Ngọc Chuẩn