Sau gần 5 năm hoạt động, Hợp tác xã Chăn nuôi xanh (thuộc tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn) đã xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi khép kín theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã xuất bán ra thị trường hơn 1.000 con lợn thương phẩm, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng.
Nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, quy trình chăn nuôi được các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt. Các loại cám công nghiệp được loại bỏ, thay vào đó là thức ăn sinh học được phối trộn (gồm cám, rau xanh tự trồng, đậu khô, axit amin…), ủ men rồi mới cho lợn ăn. Với hình thức chăn nuôi này, sản phẩm thịt lợn của Hợp tác xã đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
TP. Sông Công hiện có 125 trang trại chăn nuôi (tăng 13 trang trại so với năm 2020), chủ yếu chăn nuôi gà và lợn, tập trung ở các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn... Trong số đó, trên 90% trang trại có liên kết với các công ty: C.P Việt Nam, JapFa Comfeed Việt Nam, Newstar... mang lại hiệu quả kinh tế. Các trang trại chăn nuôi hiện đang giải quyết việc làm cho trên 200 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, việc chăn nuôi theo hình thức trang trại đã hạn chế được rủi ro về bệnh tật cho vật nuôi, vấn đề môi trường được đảm bảo. Cùng với đó, người dân còn được tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều trang trại đã mở rộng quy mô, đưa các con giống mới, chất lượng vào sản xuất, mang lại nguồn thu nhập khá.
Nhằm khuyến khích, vận động nhân dân chăn nuôi theo hình thức trang trại, hằng năm, TP. Sông Công đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống phù hợp. Đồng thời ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, như: Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học, làm hầm biogas, ủ phân bằng các chế phẩm sinh học...
Trong 3 năm gần đây, thành phố đã hỗ trợ người dân xây dựng trên 400 công trình hầm ủ khí sinh học biogas; triển khai thí điểm trên 40 mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà và lợn. Các mô hình trên sau khi được triển khai đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế vi khuẩn gây hại trong chăn nuôi, giúp người dân tiết kiệm chi phí, cải thiện thu nhập.
Ông Đặng Văn Phúc, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xóm Na Chùa, xã Bá Xuyên, cho hay: Sau khi được hỗ trợ 70% kinh phí và hướng dẫn sử dụng đệm lót sinh học, tôi đã áp dụng vào mô hình chăn nuôi gà với quy mô hơn 1.000 con/lứa. Chăn nuôi theo hình thức này, gia đình tôi đã tiết kiệm được khoảng 13-20% chi phí, vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, phân gà sau khi thu dọn đệm lót được gia đình tận dụng hoặc bán lại để phục vụ trồng trọt, từ đó tăng lợi nhuận chăn nuôi.
Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi nông hộ trên địa bàn TP. Sông Công có xu hướng giảm dần. Tính đến hết năm 2021, tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi trong cơ cấu nội ngành của thành phố đạt 55%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 9.000 tấn.
Để chăn nuôi tiếp tục mang lại hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, hiện nay, TP. Sông Công đang triển khai một số giải pháp cụ thể, như: Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung phù hợp; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực chuyển giao công nghệ tiến tiến, hiện đại vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung... Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi đạt 60% cơ cấu nội ngành, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 9.800 tấn; phấn đấu có 1-3 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và tập trung…