Theo kế hoạch của UBND tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở các xóm, tổ dân phố trên toàn tỉnh với từ 2-5 thành viên, nòng cốt là lãnh đạo xóm, tổ dân phố, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ và các tình nguyện viên tại khu dân cư.
Các thành viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng là người có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số và có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Huyện Đại Từ là một trong những địa phương sớm triển khai thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Sau hơn một tháng triển khai, tính đến nay, huyện đã thành lập được 399 tổ công nghệ số cộng đồng tại các xóm, tổ dân phố với trên 3 nghìn thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Đại Từ chia sẻ: Khi đưa vào hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng, chúng tôi đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 20% số người dân trong đội tuổi lao động của huyện được trang bị đủ tiêu chí là một công dân số. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng về nhiệm vụ, kiến thức và kỹ năng làm việc để hỗ trợ người dân. Bước đầu, các tổ đã hỗ trợ người dân tiếp cận với môi trường số, nền tảng số, công nghệ số qua một số nội dung cụ thể, như: Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua bán hàng hóa không dùng tiền mặt; cài đặt và sử dụng ID Thái Nguyên, C-Thái Nguyên…
Cùng với Đại Từ, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã triển khai thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tới tận các xóm, tổ dân phố. Sau hơn 1 tháng triển khai, hiện nay, toàn tỉnh đã có 2.256 tổ công nghệ cộng đồng với gần 17 nghìn thành viên tham gia hỗ trợ người dân tiếp cận với môi trường số, nền tảng số, công nghệ số.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Mục đích của việc áp dụng mô hình tổ công nghệ số cộng đồng nhằm triển khai thực hiện tốt các chương trình CĐS của Chính phủ, của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Tổ công nghệ số cộng đồng là sự huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo CĐS các cấp từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, xóm, tổ dân phố.
Để triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thử nghiệm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các doanh nghiệp công nghệ số bồi dưỡng, tập huấn cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng về kiến thức, kỹ năng hoạt động căn cứ theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương và nhiệm vụ theo từng thời điểm.
Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng sau khi được tập huấn đã đến từng hộ gia đình để hỗ trợ người dân với nội dung phù hợp với nhu cầu của người dân. Qua đó, người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn, giản, tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ duy trì vận hành hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng với mục tiêu đến năm 2025 có 70% số dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng.
Từ tháng 6 đến tháng 11-2022, các tổ công nghệ số cộng đồng toàn tỉnh bắt đầu tiến hành các hoạt động hướng dẫn người dân tham gia vào các nền tảng số.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Chúng tôi đánh giá hoạt động của tổ công nghệ cộng đồng tại xóm, tổ dân phố rất hiệu quả, bởi họ là những người trụ cột ở cơ sở, nắm chắc đặc điểm từng hộ gia đình, mỗi người dân. Chúng tôi cho rằng, việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp lan toả, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội mạnh mẽ hơn.