Bức ảnh “Hiên ngang” thể hiện thông điệp “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, tinh thần dũng cảm hy sinh của những người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bức ảnh cũng cho thấy bản lĩnh của người phóng viên trong chiến tranh: Chỉ có thể ghi lại hình ảnh tuyệt vời ấy khi người cầm máy đồng hành cùng người chiến sĩ trong khoảnh khắc cái chết cận kề gang tấc.
Tác phẩm “Hiên ngang” được Vũ Tạo chụp tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) năm 1967 - giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất - đã được sử dụng rộng rãi ở trong và ngoài nước như một biểu tượng của tinh thần dũng cảm, khí phách Việt Nam. Bức ảnh đã đem lại các giải thưởng lớn của nhiếp ảnh báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh vào năm 2007 cho nhà báo Vũ Tạo.
Nhà báo Vũ Tạo (1940 - 2007) qua hàng chục năm cầm máy, lăn lộn trên nhiều chiến trường trong các giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, đã để lại hàng ngàn bức ảnh quý báu. Mới đây, tại Trung tâm tư liệu ảnh quốc gia của TTXVN, tôi có dịp xem lại các tập ảnh có tác phẩm của Vũ Tạo và hình dung được những con đường theo năm tháng ông đã đi qua để thực hiện nhiệm vụ của một phóng viên ảnh chiến trường, với sứ mệnh “chép sử bằng hình ảnh”.
Ông bắt đầu cầm máy khi học lớp đào tạo phóng viên ảnh của TTXVN và tốt nghiệp vào năm 1966. Những địa bàn ác liệt nhất trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đều có mặt ông. Cùng các đồng nghiệp cơ quan Thông tấn quân sự, nhà báo Vũ Tạo liên tục tham gia các chiến dịch lớn, từ Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1970 - 1971), Quảng Trị (1972)... đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông có mặt tại mặt trận biên giới Tây Nam, Campuchia, ở biên giới phía Bắc trong những thời kỳ gay go ác liệt nhất. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào ông cũng xông xáo, không ngại gian khó hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngoài tác phẩm “Hiên ngang”, nhà báo Vũ Tạo còn để lại nhiều bức ảnh mang dấu ấn lịch sử, như “Bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội”, “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975”, “Nội các Dương Văn Minh sau khi đầu hàng”, “Đánh chiếm căn cứ Tân Lâm, Quảng Trị”... Những khoảnh khắc xúc động đời thường cũng được ông ghi lại như “Người dân Côn Đảo lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ tử tù trở về đất liền” (1975) hay “Lớp học văn hóa của các nữ thanh niên xung phong trong hang núi” (1970)... Điều đặc biệt là ông có những tác phẩm mang cái nhìn nhân đạo sâu sắc về chiến tranh như các bức ảnh ở Quảng Trị vào năm 1972: “Chiến sĩ quân giải phóng băng bó vết thương cho lính Sài Gòn”, “Ngừng nổ súng, gọi địch ra hàng”, “Sĩ quan, binh lính trung đoàn 56 Sài Gòn phản chiến, được Quân giải phóng tiếp nhận”...
Lần đầu tiên tôi gặp nhà báo Vũ Tạo là vào tháng 1-1972. Trên đường vào mặt trận Quảng Trị, xe của chúng tôi dừng chân ở đèo Ngang. Tình cờ xe của các anh Vũ Tạo và Lương Nghĩa Dũng thuộc Phòng Thông tấn quân sự cũng đi qua đây. Các anh lên Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 ở phía Tây, còn chúng tôi vào Vĩnh Linh, phía Đông. Thời điểm ấy là gần Tết Nhâm Tý. Chiến dịch sắp bắt đầu. Thời gian gấp gáp. Trong đoàn chúng tôi có các phóng viên Phạm Hoạt, Xuân Lâm là những đồng nghiệp thân thiết với các anh Vũ Tạo, Lương Nghĩa Dũng.
Phải nói khi đó tôi rất ấn tượng với vẻ ngoài bình dị, sự chan hòa, cởi mở, chân tình của các anh. Với bộ quân phục giản dị, chiếc mũ cối, đôi dép cao su, nếu không mang túi máy ảnh bên người thì các anh chẳng khác gì những chiến sĩ bình thường ra trận. Nhìn bên ngoài thật khó biết đây là hai phóng viên nhiếp ảnh lừng danh của cơ quan Thông tấn quân sự, cùng với phóng viên Hứa Kiểm đã tạo thành một bộ ba gắn bó, lăn lộn trên khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, có mặt ở những trận đánh, những địa bàn, chiến dịch ác liệt nhất. Trong khi Lương Nghĩa Dũng cười nói vui nhộn, vén chiếc áo trấn thủ khoe "vẫn còn mùi nước tiểu của con trai" thì Vũ Tạo chỉ lắng nghe, nụ cười hiền, cặp mắt suy tư ánh vẻ lạc quan. Khi ấy, không ai trong chúng tôi có thể ngờ rằng chỉ ít tuần sau khi chiến dịch nổ ra, Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh ngay trên cao điểm khi đi cùng xe tăng...
Mùa xuân 1975, tôi gặp nhà báo Vũ Tạo tại Đà Nẵng trong những ngày đầu thành phố được giải phóng. Một cuộc hội quân đẹp của những phóng viên TTXVN. Nhóm phóng viên Lâm Hồng Long, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm và tôi đi xe máy từ Huế vào. Các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành đi ô tô từ Hà Nội, qua Huế rồi vào thẳng Đà Nẵng. Vài ngày sau đó, một quyết định của ban lãnh đạo TTXVN đã gắn số phận chúng tôi với nhau: Nhà báo Vũ Tạo được cử làm tổ trưởng tổ phóng viên mũi nhọn, gồm các phóng viên Lâm Hồng Long, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm và tôi, cùng lái xe Ngô Bình và điện báo viên Lê Thái. Chúng tôi có nhiệm vụ theo bước chân thần tốc của các chiến sĩ giải phóng từ Huế đi tiếp vào các tỉnh phía Nam.
Đó là những ngày xuân kỳ diệu nhất trong cuộc đời người làm báo. Nhưng ở một phía khác, khó khăn, ác liệt, sức ép công việc đè nặng. Vì yêu cầu công việc, chúng tôi không đi theo một đơn vị nào mà hành quân độc lập, lấy tư liệu, chụp ảnh, viết bài và chuyển thông tin về nhà khi qua mỗi địa bàn. Hiểm nguy luôn rình rập. Trong hoàn cảnh ấy, trách nhiệm nặng nề đặt trên vai tổ trưởng Vũ Tạo. Phải lo làm sao bảo đảm an toàn cho anh em, vừa tác nghiệp vừa tiến kịp lên phía trước. Và cả những lo toan rất cụ thể để đủ xăng cho xe chạy, có nơi ăn nghỉ mỗi ngày trên đường... Vừa cầm máy như mọi người, nhà báo Vũ Tạo làm tất cả mọi công việc bằng sự từng trải, kinh nghiệm, cần mẫn lặng lẽ như bản tính của anh.
Cùng Vũ Tạo, chúng tôi đã đi dọc chiều dài đất nước, qua tất cả các thành phố lớn, từ Huế đến Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... Anh em trong tổ đã có mặt trong các trận đánh ở Phan Rang, Xuân Lộc, Nước Trong..., kịp thời tham gia đội hình mũi đột kích của cánh quân phía Đông tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Nhà báo Vũ Tạo và các phóng viên trong tổ đã ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử: Xe tăng Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, nội các Dương Văn Minh sau khi đầu hàng, nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón Quân giải phóng... Ngay trưa hôm ấy, từ dinh Độc Lập, mượn xe của Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan, nhà báo Vũ Tạo và tôi đã ra bến Nhà Rồng, Tòa Đô chánh, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân (của ngụy quyền Sài Gòn)... để chụp ảnh và lấy tư liệu viết về ngày đầu giải phóng. Đến Tòa Đô chánh, súng vẫn đang nổ, đạn bắn thẳng bay sát chỗ hai anh em đứng. Vừa chụp ảnh anh vừa nhắc tôi đứng sát chân bức tượng Trần Hưng Đạo để tránh đạn. Tôi nhớ mãi gương mặt điềm tĩnh, ánh mắt trìu mến và lời nói ân cần của anh: “Ngày cuối cùng của chiến tranh rồi. Cố gắng cho an toàn em nhé!”.
Nhà báo Vũ Tạo và tôi có hai bức ảnh rất đặc biệt vào ngày 30-4-1975: Bức ảnh tôi chụp anh đang tác nghiệp giữa những xe tăng Quân giải phóng hội quân vào khoảnh khắc lịch sử trên sân dinh Độc Lập. Bức ảnh anh chụp tôi đang vẫy chào người dân Sài Gòn trên đường Hồng Thập Tự. Đấy là những khoảnh khắc không quên trong cuộc đời người làm báo chúng tôi.
Nghĩ về những đồng nghiệp của mình tại cơ quan thông tấn quốc gia một thời lửa đạn, trong bài thơ “Những con đường thông tấn”, tôi có viết:
“Những con người thầm lặng hy sinh
Vì danh xưng chung - Người phóng viên thông tấn
Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn
Trên mỗi nẻo đường chiến tranh”.
Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo là một gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ những con người như thế!