Trong suốt chiều dài lịch sử, truyền thống gia đình Việt Nam được gắn kết một cách bền chặt bằng tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Những nét đẹp trong gia đình đã hình thành nên giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam, như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, yêu thương, chăm lo cho con cái; sự tôn trọng, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, anh em...
Hòa chung dòng chảy đó, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp này trong cuộc sống thường ngày.
Là gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống, nhiều năm nay, 6 thành viên trong gia đình ông Trịnh Ngọc Mười, xóm Tân Thái, Hóa Thượng (Đồng Hỷ), luôn hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc. Để chung sống hòa thuận trong gia đình 3 thế hệ, giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa 15 năm liền, vợ chồng ông luôn làm gương cho con, cháu; khuyên con, cháu phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cho dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, ông, bà vẫn giữ thói quen duy trì bữa cơm tối, cùng con cháu chia sẻ niềm vui, những khó khăn trong cuộc sống, giúp khoảng cách thế hệ được kéo gần lại.
Ông Trịnh Ngọc Mười cho hay, gia đình truyền thống có nhiều lợi ích. Ông bà có điều kiện gần gũi, chăm sóc các cháu khi con đi làm; con cháu có điều kiện chăm sóc ông bà, cha mẹ khi về già. Từ đó, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên bền chặt. Tuy nhiên, để phù hợp với thời đại hiện nay, mỗi thế hệ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp để thu hẹp khoảng cách về tư duy, nhận thức và quan niệm sống. Ông bà, cha mẹ cũng nên tiếp cận với những cái mới để hiểu con cháu hơn và con cháu luôn kính trọng ông bà, cha mẹ, trò chuyện, tâm sự nhiều hơn để hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
Gia đình ông Trịnh Ngọc Mười, xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), có 3 thế hệ sinh sống hòa thuận và là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Còn gia đình anh Vũ Tiến Trung, tổ 11, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), là hình mẫu đại diện cho thế hệ gia đình trẻ, hiện đại song vợ chồng anh vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp. Công việc bận rộn, nhưng vợ chồng anh chị vẫn dành cho nhau sự quan tâm để vun đắp, gìn giữ hạnh phúc, cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ con cái, chia sẻ công việc nhà, tôn trọng nhau.
Anh Trung cho biết: Chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống để vợ chồng hòa thuận, yêu thương nhau hơn và cùng chung tay chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Đồng thời, trong việc dạy bảo con cái, vợ chồng tôi luôn xác định làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con chứ không áp đặt. Nhờ vậy mà không khí của gia đình tôi vui vẻ, các con cũng gần gũi, chia sẻ với bố mẹ.
Tuy nhiên, xã hội phát triển mang đến nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, song mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ đến việc xây dựng văn hóa gia đình.
Đặc biệt, trước sự tác động của công nghệ thông tin, giao tiếp trực tiếp của những thành viên trong gia đình có xu hướng giảm; khoảng cách giữa các thế hệ vì thế cũng ngày càng xa, ảnh hưởng lớn đến không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc trong từng gia đình…
Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Để gìn giữ và không ngừng phát huy những nét đẹp văn hóa trong gia đình, nhiều năm qua, công tác gia đình đã được các cấp chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện; lồng ghép gắn với các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào Xây dựng gia đình văn hoá (GĐVH). Phong trào Xây dựng GĐVH đã lan tỏa sâu rộng đến từng xóm, tổ dân phố và mỗi gia đình trong toàn tỉnh. Tỷ lệ GĐVH của Thái Nguyên luôn tăng theo thời gian. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có gần 328 nghìn hộ được công nhận GĐVH, chiếm 92,53% tổng số hộ, tăng 1,23% so với năm 2020 và tăng 48,5% so với năm 2000.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, từ năm 2005 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 30 lớp tập huấn, hội thi, hội thảo về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó góp phần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở đồng thời truyền thông thay đổi hành vi ứng xử trong gia đình theo hướng tích cực tới đông đảo nhân dân.
Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có trên 332 nghìn hộ gia đình. Trong đó, có gần 29,5 nghìn gia đình hạt nhân (gồm bố mẹ và các con); gần 290 nghìn gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống…
Sự vững bền của các gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội, góp phần vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người và dân tộc Việt Nam.
Bà Trần Thị Nhiện cho biết thêm: Cùng với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành, tổ chức trong toàn tỉnh cũng đã phát động các phong trào thi đua: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình... Thời gian qua, những hoạt động này đã kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác gia đình; văn hóa ứng xử trong gia đình; phê phán lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm... thiết thực lan tỏa và tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt.
Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” khẳng định vai trò của gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách, tài năng của mỗi thành viên, đóng góp cho xã hội; đồng thời đề cao những giá trị cốt lõi của gia đình là sức khỏe, hạnh phúc, tạo tiền đề cho một xã hội phát triển lành mạnh, bền vững. |