Là cơ sở chăn nuôi duy nhất được công nhận ATDB trên địa bàn TP. Sông Công, anh Trần Văn Triệu, ở tổ dân phố 4B, phường Phố Cò, chia sẻ: Năm 2017, trang trại của gia đình tôi đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gà H5N1 và Newcastle. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ rộng mở, khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, trang trại cung ứng ra thị trường hơn 130.000 con gà giống, doanh thu đạt trên 70 triệu đồng. Trước đó, để hạn chế dịch bệnh phát sinh, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải và tiêm phòng vắc-xin cho đàn gà được thực hiện nghiêm ngặt; hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng hiện đại, chăn nuôi theo hướng ATDB…
Ý thức phòng, chống dịch bệnh là để hạn chế rủi ro, ông Ngô Bá Đông ở xóm Bãi Hát, xã Bá Xuyên, luôn đảm bảo các điều kiện an toàn trong quá trình chăn nuôi. Trang trại của ông Đông đã chủ động con giống để nuôi thương phẩm với quy mô 30-50 con/lứa. Đặc biệt, trang trại được xây dựng nằm tách biệt với khu dân cư, tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài và thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng. Công tác tiêm phòng cho vật nuôi được thực hiện đầy đủ, chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế TP. Sông Công: Để được công nhận đạt tiêu chuẩn chăn nuôi ATDB thì cơ sở đó phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, như: Không có gia súc, gia cầm mắc bệnh ít nhất trong vòng 12 tháng; địa điểm chăn nuôi cách biệt với khu dân cư; có khu vực để xử lý chất thải; quy trình chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học… Do đó, để thực hiện nội dung này, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô trang trại tập trung, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Hằng năm, công tác tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò; lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả ở lợn; Newcastle ở gà; bệnh dại ở chó, mèo… được đặc biệt chú trọng.
Cùng với đó, công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua mạng lưới thú y viên, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố; tập trung vào đàn gia súc, gia cầm mới nuôi hoặc từ vùng có ổ dịch cũ, có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, hạn chế lây lan diện rộng. Thành phố cùng định kỳ thực hiện tổng vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, mua bán, giết mổ, phương tiện vận chuyển…
Nhờ chủ động triển khai các giải pháp, những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi của TP. Sông Công đã có sự chuyển dịch theo hướng tập trung quy mô vừa và lớn, đảm bảo ATDB, liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong tổng số 127 trang trại chăn nuôi lợn và gà trên địa bàn, trên 80% trang trại đã liên kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập người dân. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường đã từng bước được giải quyết.
TP. Sông Công phấn đấu đến năm 2025, 98% sản phẩm động vật kinh doanh tại các chợ có dấu kiểm soát giết mổ theo quy định; có 1-3 cơ sở giết mổ động vật tập trung… |
Dù vậy, hiện nay, số cơ sở chăn nuôi ATDB được công nhận trên địa bàn thành phố vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở không đảm bảo những tiêu chí và yêu cầu cần thiết; người chăn nuôi chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh thú y; phần lớn các trang trại vẫn nằm xen kẽ với các khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao…
Để nhân rộng các cơ sở chăn nuôi ATDB, TP. Sông Công sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức cho các cơ sở ký cam kết chăn nuôi an toàn, ký cam kết “5 không” trong công tác phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích các hợp tác xã, chủ trang trại liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư; hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật… Từ đó, mở hướng chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.