Dạo quanh một số chợ trên địa bàn TP. Sông Công, chúng tôi thấy, các sạp hàng, ki-ốt hoạt động nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng. Các hộ kinh doanh cũng thường xuyên chỉnh trang, sắp xếp, trưng bày hàng hóa khoa học, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tại Trung tâm Thương nghiệp thành phố (thuộc phường Mỏ Chè), hơn 200 sạp hàng của các tiểu thương kinh doanh ổn định, thu hút đông đảo khách hàng. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống có sức mua tăng đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Tươi, một tiểu thương kinh doanh tại đây, phấn chấn: Các nhà hàng, quán ăn hoạt động bình thường trở lại nên nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng tăng lên. Hằng ngày, số lượng hải sản tôi nhập về tăng 3-5 lần so với thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Song song với lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP. Sông Công cũng hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân (thuộc phường Cải Đan), chia sẻ: Hè này, bình quân mỗi ngày, Trung tâm tiếp đón 800-1.000 lượt du khách đến tham quan, mua sắm. Riêng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2022, Trung tâm thu hút trên 24.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, mở cửa toàn bộ các hoạt động kinh doanh đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi của thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Theo đó, thị trường ổn định, hàng hóa dồi dào, nhiều loại hình thương mại hiện đại, thông minh được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn có tỷ lệ lấp đầy số phòng đạt 80%...
Trước đó, để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, TP. Sông Công đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về các giải pháp thích ứng linh hoạt, tích cực tìm các phương án phù hợp để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, từng bước phục hồi phát triển. Thành phố cũng tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, thông qua việc tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp về mặt bằng cũng như cải cách các thủ tục hành chính.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng 17,4ha đối với 26 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, tổ hợp thương mại, khu dân cư, khu đô thị. Đồng thời, thành phố khuyến khích các hộ cá thể, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất, đảm bảo khâu cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.
TP. Sông Công cũng hỗ trợ tổ chức hội chợ thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn giới thiệu hình ảnh và bán sản phẩm, ký kết các hợp đồng kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại; phối hợp với Ủy ban MTTQ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân, nhằm kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao trong cộng đồng dân cư.
Song song với đó, cơ quan chức năng của thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá nhằm thu lợi bất chính, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Từ đầu năm 2022 đến nay, qua kiểm tra, lực lượng chức năng TP. Sông Công đã phát hiện 23 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 70 triệu đồng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, thương mại, dịch vụ của TP. Sông Công đã có những chuyển biến tích cực. Toàn thành phố hiện có 7 siêu thị; trên 3.600 cơ sở, đại lý bán lẻ (tăng 30 cơ sở so với cùng kỳ năm 2021); 40 cơ sở kinh doanh vận tải; trên 50 khách sạn, nhà uống ăn uống… được phân bố đều ở tất cả các xã, phường.
Đặc biệt, phát huy lợi thế hồ Ghềnh Chè (thuộc xã Bình Sơn), thành phố đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường, điện, kết hợp với sự ủng hộ của Quỹ toàn cầu hóa SGF Saemaul của Hàn Quốc, hỗ trợ xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, mô hình đã bước đầu khơi dậy được tiềm năng, phát huy lợi thế của làng nghề chè truyền thống và nội lực của nhân dân các xóm trong khu vực hồ Ghềnh Chè. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu để đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sân golf…