Theo đó, TikTok đã đăng ký sở hữu thương hiệu “TikTok Music” tại Mỹ, Australia… và một số quốc gia khác. Theo hồ sơ công bố, đây sẽ là dịch vụ cho phép người dùng mua, thưởng thức, chia sẻ và tải xuống âm nhạc theo nhu cầu.
TikTok Music cũng sẽ cho phép người dùng khởi tạo, chia sẻ và đề xuất các danh sách nhạc; cũng như bình luận về các bản nhạc hay truyền tải trực tiếp (livestream) âm thanh và hình ảnh video.
Thực tế, ByteDance (Trung Quốc) - công ty mẹ của TikTok - không xa lạ trong lĩnh vực phân phối âm nhạc. Năm 2020, doanh nghiệp này từng phát hành dịch vụ truyền tải nhạc Resso tại Ấn Độ, Brazil và Indonesia. Resso cũng có nhiều nét tương đồng với TikTok Music, như cho phép người dùng tự tạo danh sách nhạc riêng và chia sẻ trên mạng xã hội, tương tác với cộng đồng… Tới hết năm 2021, Resso đã có hơn 40 triệu người dùng hằng tháng, với sức tăng trưởng chóng mặt.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ ByteDance sẽ phát triển dịch vụ chia sẻ nhạc trên TikTok dựa trên nền tảng sẵn có của Resso, hay tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Theo giới chuyên môn, dù chọn phương án nào, hướng đi mới của TikTok có thể tạo ra những thay đổi to lớn đối với ngành công nghiệp âm nhạc trong thời gian tới, tương tự như những cách TikTok đã tác động lớn tới lĩnh vực mạng xã hội, khiến những tên tuổi hàng đầu như Facebook hay YouTube cũng phải lo ngại.
Bước tiến vào lĩnh vực phân phối âm nhạc là một trong những nỗ lực mới của TikTok nhằm mở rộng hệ sinh thái giải trí của mình. Mới đây, mạng xã hội này cũng đã mua lại một studio trò chơi điện tử là Moonton Technology (Trung Quốc) và bổ sung hàng loạt trò chơi nhỏ vào ứng dụng di động của mình.