Cuối tháng 7-2022, TAND huyện Võ Nhai tổ chức phiên toà sơ thẩm vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến, kết nối với điểm cầu Nhà tạm giữ Công an huyện. Bị cáo Triệu Văn Hiếu, sinh năm 1992, trú tại xóm Khuân Nang, xã Liên Minh (Võ Nhai), bị đưa ra xét xử về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Phiên tòa diễn ra trong không khí nghiêm túc, trật tự; có cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Các cơ quan tố tụng đã tiến hành đầy đủ thủ tục của phiên tòa theo quy định; bị cáo có mặt đúng giờ, nghe và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng Xét xử.
Tham gia bào chữa cho bị cáo, bà Lê Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) đánh giá: Ưu điểm của hình thức này là những người tham gia tố tụng không phải đi xa, mất nhiều công sức và tiền của, hạn chế ảnh hưởng tâm lý cho những đối tượng là trẻ em; quá trình xét hỏi, đối chất không giáp mặt trực tiếp nên tránh gây xung đột giữa những người có mâu thuẫn về lợi ích.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Chánh án TAND huyện Võ Nhai đặt mục tiêu: Từ nay tới hết năm, TAND huyện phấn đấu mỗi thẩm phán xét xử từ 1-2 phiên toà trực tuyến để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Trước đó, TAND tỉnh lần đầu tiên tổ chức phiên toà trực tuyến xét xử sơ thẩm 2 vụ án hình sự về tội “mua bán trái phép chất ma tuý” đối với bị cáo Trần Thanh Hà, sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú tại tổ 4, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) và Phùng Quốc Toản, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại tổ 4, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên).
Trong tháng 7-2022, TAND TP. Phổ Yên cũng tổ chức xét xử sơ thẩm 2 vụ án liên quan đến ma túy, kết nối trực tuyến với Trại tạm giam Công an tỉnh.
Thực tế cho thấy, việc kết nối trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là trụ sở toà án với các điểm cầu thành phần vẫn cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định.
Hình thức này cũng giúp tiết kiệm chi phí trích xuất, dẫn giải bị cáo và bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa. Toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu giữ lại, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay để tổ chức phiên toà trực tuyến là cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Như ở TAND huyện Võ Nhai, đơn vị phải tận dụng các thiết bị hiện có và phối hợp với đơn vị viễn thông kết nối đường truyền. Trong quá trình tổ chức, có một lần bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật. Ở cấp tỉnh chưa tổ chức được điểm cầu thành phần tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; các phòng xử cũng cần trang bị thêm màn hình, thiết bị âm thanh. Một số cán bộ phụ trách kỹ thuật kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn về công nghệ thông tin… Việc quan tâm đầu tư, khắc phục các hạn chế này sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Ông Đặng Minh Tuân, Chánh Toà Hình sự, TAND tỉnh, thông tin: TAND hai cấp của tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng lịch tiếp tục xét xử một số vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến trong thời gian tới. Tiêu chí là ưu tiên xét xử những vụ án không phức tạp, ít bị cáo. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong việc thực hiện xây dựng tòa án điện tử, hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Trung ương và của tỉnh.
Theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. |