Cập nhật: Thứ tư 10/08/2022 - 14:10
Người dân tham gia Dự án thu hái chè.
Người dân tham gia Dự án thu hái chè.

Giai đoạn 2021-2022, TP. Sông Công đã thực hiện hiệu quả Dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Bình Sơn. Đây là một trong 2 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đầu tiên được triển khai trên địa bàn thành phố.

Dự án được triển khai tại Hợp tác xã trà Cao Sơn (đơn vị chủ trì), quy mô trên 50ha chè sản xuất, thu hút gần 100 hộ dân là thành viên Hợp tác xã và người dân xóm Khe Lim, xã Bình Sơn tham gia.  Thực hiện Dự án, các hộ dân được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để mua phân bón, lắp đặt hệ thống tưới, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm...

Qua các đợt kiểm tra và nghiệm thu thực tế của cơ quan chuyên môn, Dự án mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay, Hợp tác xã trà Cao Sơn đã xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn với 8ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ; chất lượng chè gia tăng, giá chè búp khô dao động từ 350-500 nghìn đồng/kg (cao hơn 150-200 nghìn đồng/kg so với trước kia). Sản phẩm chè của các thành viên tham gia Dự án đều được Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi liên kết.

Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ các thành viên tham gia Dự án thiết kế logo, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn đăng ký các sản phẩm chè tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Đến nay, Hợp tác xã trà Cao Sơn có 5 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao và 4 sao.

Thành công bước đầu của Dự án là cơ sở để TP. Sông Công tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người dân.

Trịnh Phương