Cập nhật: Thứ bẩy 13/08/2022 - 16:20
Cơ chế mã hóa đầu - cuối đảm bảo thông tin truyền tải từ người gửi đến người nhận được an toàn tuyệt đối.
Cơ chế mã hóa đầu - cuối đảm bảo thông tin truyền tải từ người gửi đến người nhận được an toàn tuyệt đối.

Chỉ ít lâu sau khi bắt tay vào triển khai cơ chế mã hóa cho cuộc gọi Facebook Messenger, Meta - công ty mẹ của Facebook - lại xúc tiến việc mã hóa các nội dung tin nhắn văn bản mà người dùng trao đổi trên nền tảng này.

Thực tế, Meta đã phát triển tính năng mã hóa đầu - cuối cho các sản phẩm dịch vụ tin nhắn của mình từ lâu, nhưng tới nay, chỉ có WhatsApp là hỗ trợ đầy đủ cơ chế bảo mật thông tin cá nhân thiết yếu này. Phải tới giờ đây, Facebook Messenger mới bắt đầu nhập cuộc. 

Nhờ thế, trong thời gian này, người dùng sẽ bắt đầu thấy một số nội dung thảo luận của mình được kích hoạt cơ chế mã hóa đầu - cuối mặc định. Họ sẽ không cần phải khởi động “Đàm thoại bí mật” (Secret Conversations) như mọi lần để trao đổi thông tin gì đó nhạy cảm. Ngay cả các tin nhắn phản hồi câu chuyện đăng tải trên Facebook (Facebook Stories) cũng được mã hóa toàn bộ. 

Bên cạnh đó, Meta cũng thử nghiệm không gian lưu trữ bảo mật cho các nội dung chat đã mã hóa trên nền tảng thiết bị Android và iOS. Điều này đồng nghĩa rằng, toàn bộ lịch sử tin nhắn và các nội dung đã gửi sẽ được giữ an toàn, kể cả khi điện thoại bị thất lạc hoặc người dùng muốn chuyển sang máy mới. Để truy xuất vào kho dữ liệu này, người dùng buộc phải có mã số (PIN) cần thiết. 

Để truy cập lịch sử chat và các dữ liệu liên quan, người dùng phải nhập mã PIN định sẵn.

Ngoài các tính năng bảo mật, Facebook trong lần này cũng sẽ triển khai một số “món mới” khác, như Xác nhận mã (Code Verify). Đây là phần mở rộng mã nguồn mở cho các trình duyệt web Chrome, Firefox và Microsoft Edge, có chức năng kiểm tra tính xác thực của các đoạn mã lập trình Facebook Messenger phiên bản web, nhằm đảm bảo chúng không bị can thiệp bởi kẻ xấu. 

Theo lộ trình, Meta sẽ triển khai xong cơ chế mã hóa đầu - cuối trên toàn bộ các dịch vụ tin nhắn và gọi điện của mình, trên quy mô toàn cầu, trong năm 2023. 


Theo Hà Nội mới