Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Đặng Văn Đăng, xóm La Cảnh 1, hiện là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bá Xuyên. Năm 2022, sau khi được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí, anh Đăng đã mạnh dạn xây dựng nhà màng với diện tích hơn 1.100m2, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất dưa lưới. Vụ dưa này, dự kiến năng suất dưa lưới của gia đình anh Đăng đạt hơn 2 tấn, thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng.
Theo ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên: Ngoài mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Đăng, xã cũng đã xây dựng được hàng chục mô hình trồng cây ăn quả, với tổng diện tích trên 30ha, gồm: Bưởi, ổi, thanh long… Trước đó, xã đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng các mô hình vườn mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây cũng là một trong những giải pháp đang được Bá Xuyên triển khai có hiệu quả, nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ thực tế diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đang dần bị thu hẹp, xã Bá Xuyên đã phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: Trồng cây ăn quả, thâm canh lúa chất lượng cao, chăn nuôi gà, lợn… Mặt khác, chính quyền TP. Sông Công và xã cũng hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp địa phương.
Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Bá Xuyên đã phối hợp với phòng Kinh tế TP. Sông Công triển khai mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới, với quy mô hơn 2.000m2 tại xóm La Cảnh 1; hỗ trợ phân bón vi sinh cho 5ha cây ăn quả tại xóm Lý Nhân và Chũng Na; triển khai thực hiện 2 mô hình trồng lúa chất lượng cao... Các mô hình được triển khai đã giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, từng bước thay đổi thói quen, tư duy sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Đài thơm 8, ở các xóm La Cảnh 1, La Cảnh 2 và Xứ Đào. Khoảng 2 năm trước, một số hộ dân ở địa phương đã đưa vào gieo cấy giống lúa Đài thơm 8, cho năng suất đạt 2,5 tạ/sào (cao hơn 0,5 tạ/sào so với giống cũ). Nhận thấy lúa Đài thơm 8 cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt nên ở những vụ sau, bà con đã đưa vào gieo cấy đại trà. Trên cơ sở này, Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao xã Bá Xuyên được thành lập, sản xuất trên cánh đồng một giống lúa Đài thơm 8, quy mô gần 7ha/vụ. Cũng từ hiệu quả của mô hình này, TP. Sông Công đã nhân rộng tại các xã, phường trên địa bàn, hướng tới xây dựng sản phẩm gạo Đài thơm 8 đạt chứng nhận OCOP.
Từ lợi thế vườn đồi rộng, người dân Bá Xuyên còn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế. Toàn xã hiện có 44 trang trại và 11 gia trại chăn nuôi gà, lợn. Những năm gần đây, người dân đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp (Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmilk Việt Nam...) để phát triển chăn nuôi bền vững. Mô hình này cũng góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt 4-6 triệu đồng/người/tháng; vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi cũng từng bước được giải quyết.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, các mô hình kinh tế trên địa bàn xã Bá Xuyên đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 45 triệu đồng/người/năm (tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,3%...