Tôi chuyển công tác từ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sang Báo Thái Nguyên năm 1997. Vẫn là nghề chữ nghĩa nhưng hai môi trường sống và làm việc khác hẳn nhau. Tôi bị “sốc” vì tốc độ công việc hối hả, vì góp ý cứng cỏi, đôi khi bốp chát của đồng nghiệp. Bài của tôi bị biên tập viên gạch bút đỏ, trả về tới tấp, kèm những câu nhận xét: Đề tài cũ, cách viết không phù hợp, cần thêm thông tin kiểm chứng… Nhiều đêm tôi thức trắng đặt tít chính, tít phụ, viết mê mải để sáng hôm sau nộp bài sớm, nhưng chỉ dăm phút bài đã nằm trên bàn với hai chữ gọn lỏn: Không đạt.
35 tuổi với hai đứa con nhỏ, tâm hồn mong manh và trái tim dễ bị tổn thương, nhiều lúc tôi muốn quay đầu trước nhiều lực cản. Nhưng lại nghĩ: Nếu mình lùi bước thì sẽ làm gì để sống đây? Thế nên, góc khuất hành lang, phòng WC là nơi tôi giấu nước mắt tuôn rơi; sân thượng là nơi tôi nhờ gió lau khô yếu đuối. Lao đi cơ sở, đọc bài của “báo anh”, lắng nghe góp ý, tôi lại ngồi trước trang giấy đến 1-2 giờ sáng.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy, có ai “khởi nghiệp” lại không vấp váp, bầm dập đâu. Nước mắt, nếp nhăn, làn da sạm sụa, để tôi hiểu cần phải đi nữa, nghĩ nữa, va đập nữa, khóc thêm nữa… mới vững bước trên chặng đường mới.
Cuộc đời tôi gắn với bước đi của Báo. Từ năm 1997 đến 2007, cơ quan có nhiều thay đổi mạnh bạo: Thành lập Phòng Thái Nguyên Cuối tuần, Phòng báo điện tử, Nhà in. Và kỳ lạ thay, tôi đều được ở những nơi khởi sự này. Dường như đó là thử thách mà cũng là ưu ái cuộc đời dành cho tôi.
Thật không thể quên cảm giác ngồi viết đề án thành lập Nhà in, với các loại máy móc, thiết bị và những con số xa lạ; không thể quên những ngày rong ruổi về Hải Phòng “xem mặt” và “rước cụ” máy in cổ kính về; không thể quên những buổi đảm nhiệm vai trò phát thanh viên đọc tin, bài cho tác phẩm điện tử; không thể quên những lần “cãi nhau” khan giọng để bảo vệ phóng viên, cộng tác viên khi bài viết của họ bị cơ sở phản ứng. Và rồi chính tôi cũng không ít lần vướng rắc rối khi viết bài động chạm đến ông A. bà B., nặng nhất có lần bị lãnh đạo dọa “treo bút”. May thay, cuối cùng tôi vẫn được làm nghề cho đến lúc “hạ cánh an toàn”.
Hai mươi năm làm báo, tôi luôn thường trực cảm giác lo lắng. Niềm vui về bài báo tâm huyết vất vả ra mắt được bạn đọc đón nhận, mang lại giá trị xã hội nhiều khi “ngắn chẳng tày gang”, nhanh chóng nhường chỗ cho bản tường trình và chuỗi ngày minh oan chỉ vì một vài chi tiết "ất ơ” nào đó tác giả khó lường hết được.
Người múa võ giỏi mấy có thể vẫn còn chỗ hở cho đối thủ “lách” đòn. Người viết dù dùng câu chữ bao bọc mình đến mấy nhưng khi đã động chạm đến lợi ích của ai đó, thì họ sẽ dùng mọi cách “vạch lá tìm sâu” để “đánh” lại. Trải qua nhiều vụ việc, tôi luôn cảm thông và trân trọng những phóng viên viết bài chống tiêu cực, dám đối đầu với cái xấu, cái ác. Họ chẳng giỏi võ, chẳng to cao khỏe mạnh, mà chỉ có ngòi bút và trái tim quả cảm, trong khi phía sau họ còn cả gia đình và bao điều phải lo toan.
Mười năm trước khi nghỉ hưu, công việc chính của tôi là biên tập, vậy nhưng nỗi lo lắng thảng thốt vẫn thường trực. Cả ngày gầm ghì từng chữ, căng mắt đọc soát, sửa chữa, nhiều hôm 21-22 giờ mới về nhà, nhưng sáng hôm sau ra cơ quan, tôi vẫn nhận được những cú điện thoại “trách mắng” từ bạn đọc, từ cơ quan chức năng; rồi kiểm điểm, họp phòng, hạ thi đua, đền bù, kỷ luật... bởi sai chữ này, sai số liệu kia. Ranh giới công - tội nhiều lúc thật mong manh. Nhưng tôi hiểu, đó là nghề. Nghề cho tôi đi nhiều, biết đó biết đây; nghề cho tôi gặp nhiều, đủ kiểu người, đủ tầng lớp, đủ lứa tuổi; nghề cho tôi cuộc sống đa xúc cảm; thì nghề cũng thử thách nghị lực và độ can trường của tôi.
Tôi nghỉ hưu thấm thoắt đã 5 năm. Mới ngày nào chia tay tự nhủ lòng không khóc mà nước mắt cứ rơi, nước mắt của chia xa tự hào. Tôi đã đến và đi thẳng thớm, trung trực. Thời gian đầu mới nghỉ, ra đường tay lái xe tôi tự hướng về phía ấy - con đường tôi đi đã 20 năm. Giờ thì con đường không còn nhớ bàn chân nữa, nhưng tôi dõi theo từng bước đi của Báo, mừng vui về sự trưởng thành mà trẻ trung, hiện đại của Báo. Cái thời cọc cạch bút giấy, gạch gạch xóa xóa; cái thời quy định bút xanh, bút tím, bút đỏ; cái thời bản thảo gạch lòe loẹt, mũi tên đánh vòng lên vòng xuống như trận đồ bát quái… đã lùi vào dĩ vãng. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã khiến công việc làm báo khác xưa rất nhiều. Để đồng hành cùng Báo, tôi cũng tự mình học để “số hóa” bản thân. Thỉnh thoảng đến cơ quan cũ, nhận được những ánh nhìn ấm áp của các đồng nghiệp cũ, con người nhạy cảm trong tôi thầm hiểu rằng: Tôi vẫn có một chỗ trìu mến ở nơi này.
Mùa Thu, mùa hoa sữa đang đến rồi. Tôi không còn dịp tối muộn đứng trên ban công tầng hai của Tòa soạn ngắm đường Hùng Vương ảo mờ tán lá. Tôi không còn được thấy tín hiệu Tết sắp đến bằng các quầy bán chai lọ, chậu hoa bất ngờ xuất hiện vào sáng sớm, ở góc đường, bên gốc cây hoa sữa. Tôi không còn được nghe tiếng máy in chạy ì ầm và cầm trên tay tờ báo tươi màu mực.
Không còn cái chuếnh choáng, mệt mỏi trước chặng đường chói chang chỉ có một mình. Không còn cái thảng thốt âu lo mỗi khi bài báo phát hành. Không còn những đêm đặt tít bài trong mơ rồi bật dậy viết ra giấy. Cuộc sống của tôi đã chuyển nhịp chậm rãi, thong dong, sâu lắng hơn.
Mấy hôm trước, đi qua cơ quan cũ, trong tôi nhói lên suy nghĩ: Sắp rồi, tôi không còn chỗ để ngoái nhìn, để yêu từng ô cửa, từng viên gạch. Nhà số 10, đường Nha Trang cùng hàng cây kia sẽ vĩnh viễn mất đi, cho thành phố của tôi hiện đại hơn, tiện ích hơn. Tôi muốn lưu vào bộ nhớ tất cả, mọi sự vật, mọi gương mặt. Để sau này có dịp đưa cháu tôi qua đây, tôi sẽ kể cho cháu nghe về “nhà số 10" yêu dấu. Nơi ấy lưu giữ một phần cuộc đời tôi. Nơi ấy có mùi hoa sữa ướp đẫm tâm hồn tôi…
(*) Thơ Hải Như