Cập nhật: Thứ bẩy 20/08/2022 - 07:43
Nhiều vị trí trong ngôi nhà sàn của gia đình ông Hoàng Văn Hiếu đang bị mối, mọt trầm trọng, cần sớm được sửa chữa.
Nhiều vị trí trong ngôi nhà sàn của gia đình ông Hoàng Văn Hiếu đang bị mối, mọt trầm trọng, cần sớm được sửa chữa.

Xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) hiện có 129 hộ dân, với 554 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Nùng chiếm 98%. Đồng bào dân tộc Nùng nơi đây có nhiều nét văn hoá đặc sắc về nhà ở, trang phục, hát sli... Do đó trước nguy cơ một số bản sắc văn hóa đang có nguy cơ bị mai một, các ngành chức năng đang nỗ lực bảo tồn gìn giữ và phát triển.

Đến xóm Tân Đô, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng. Cả xóm Tân Đô hiện còn 70 ngôi nhà sàn như vậy. Trong đó, 40 ngôi nhà được làm từ những năm 1970-1975, còn lại làm vào những năm 1986-1990.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc mình, ông Lâm Văn Tự, Bí thư Chi bộ xóm Tân Đô, chia sẻ: Trải qua thời gian, nhiều nhà sàn làm bằng gỗ bị xuống cấp. Trong khi những cây gỗ lâu năm tự nhiên không thể khai thác được nữa, điều kiện kinh tế lại hạn chế, nên bà con đành sử dụng các loại vật liệu mới như xi măng, gạch, tôn để thay thế vật liệu truyền thống (gỗ, nứa). Việc bố trí không gian trong và ngoài nhà sàn cũng có những thay đổi nhất định theo nhu cầu của từng gia đình.

Đơn cử như ngôi nhà sàn của gia đình ông Hoàng Văn Hiếu, được xây dựng năm 1977, đã có nhiều thay đổi về cấu trúc và vật liệu. Bậc thang lên xuống nhà đã được thay bằng bê tông, ngói lợp âm dương cũng được thay bằng ngói hiện đại cách đây 3 năm, khu nhà tắm được xây dựng bằng gạch, xi măng ngay cạnh cửa chính. Xung quanh nhà, nhiều chỗ được chắp vá bằng bạt.

Ông Hiếu bộc bạch: Tôi luôn tự hào khi được sinh ra và lớn lên dưới mái nhà sàn truyền thống. Vì thế, khi nhà bị xuống cấp, tôi cũng muốn sửa chữa hay làm mới nhưng vẫn phải giữ nguyên những nét đặc trưng vốn có của dân tộc Nùng. Tuy nhiên, do chi phí lớn, nguyên liệu gỗ lại không có sẵn nên tôi đành thay thế bằng bê tông, sắt thép.

Ngoài nhà sàn ra, hiện nay, điệu hát Sli của người Nùng ở Tân Đô cũng ít phổ biến do không gian biểu diễn hạn chế. Theo đồng bào nơi đây, nguyên nhân là do nơi biểu diễn trước đây là đình làng hiện đang xuống cấp trầm trọng, còn nhà văn hóa xóm thì nhỏ hẹp, chỉ đáp ứng được nhu cầu hội họp cho các hộ dân trong xóm.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, các ngành chức năng của huyện Đồng Hỷ đã cùng với chính quyền địa phương khảo sát và đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn và phát huy các trị văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng ở Tân Đô. Qua đó nhằm xây dựng mô hình bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tại xóm.

Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ, cho biết: Nhằm xây dựng Tân Đô trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng, thời gian tới, từ nguồn kinh phí của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Đồng Hỷ sẽ hỗ trợ kinh phí cho một số hộ dân để sửa chữa nhà ở nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp. Huyện cũng sẽ hỗ trợ nguồn nguồn vốn để xây mới nhà văn hóa xóm và đầu tư tu bổ, tôn tạo lại đình làng Tân Đô. Ngoài ra, huyện Đồng Hỷ đang trình các cấp có thẩm quyền công nhận đình làng Tân Đô là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Mô hình này được kỳ vọng không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng mà còn đem lại thu nhập cho người dân trong xóm.

Cùng với các ngành chức năng, đồng bào Nùng ở Tân Đô cũng đang tích cực vào cuộc nhằm bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: Truyền dạy hát Sli cho các cháu thiếu nhi trong xóm, lên rừng tìm củ nâu về nhuộm vải chàm... Những nỗ lực này nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc truyền thống của một trong những dân tộc thiểu số có nhiều nét văn hóa độc đáo ở Thái Nguyên.

Vũ Công