Cập nhật: Thứ bẩy 20/08/2022 - 11:29
Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với Chi Cục Quản lý đường bộ I.4 (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) kiểm tra, xử lý xe quá tải tại địa bàn TP. Phổ Yên.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với Chi Cục Quản lý đường bộ I.4 (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) kiểm tra, xử lý xe quá tải tại địa bàn TP. Phổ Yên.

Sau một thời gian cơ quan chức năng tập trung quyết liệt xử lý, tình trạng xe quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh đã được “dẹp” yên. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải được nâng lên rõ rệt.

Trước thực trạng xe quá tải, quá khổ có chiều hướng phức tạp, từ ngày 20/6/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc mở đợt cao điểm xử lý xe quá tải, quá khổ theo chỉ đạo của Bộ Công an. Tại Thái Nguyên, ngay từ những ngày đầu mở đợt cao điểm, lực lượng chức năng đã quyết liệt triển khai tuần tra, xử lý.

Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, cho biết: Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tập trung tuần tra, xử lý tại các cung đường có nguy cơ cao về tình trạng xe quá tải, như: Quốc lộ 3 đoạn qua địa bàn TP. Phổ Yên và huyện Phú Lương; Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Phú Bình; Quốc lộ 1B đoạn qua huyện Đồng Hỷ. Sau gần 2 tháng triển khai, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã xử lý hàng trăm xe quá tải, tự ý thay đổi kích cỡ thành thùng.

Trong ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, lực lượng chức năng phải “căng” mình xử lý, vì tình trạng xe quá tải khá phổ biến. Để tránh trường hợp “xử lý điểm này lại phát sinh điểm khác”, lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố cũng tăng cường tuần tra, xử lý trên các tuyến đường được giao quản lý. Vì vậy, qua đánh giá cho thấy, đến thời điểm này, xe quá khổ, quá tải đã cơ bản được xử lý.

Cùng với Cảnh sát giao thông, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng triển khai nhiều biện pháp xử lý, ngăn ngừa. Đại diện Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho hay: Ngay từ khi lĩnh vực vận tải hoạt động trở lại bình thường sau dịch COVID-19, nhận thấy tình hình xe quá tải có chiều hướng phức tạp nên ngay từ giữa tháng 4, lực lượng Thanh tra giao thông đã chủ động phối hợp với Chi Cục Quản lý đường bộ I.4 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện kế hoạch phối hợp tuần tra trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh…

Riêng từ tháng 4-2022 đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông đã xử lý 42 trường hợp vi phạm trọng tải và tự ý thay đổi kích cỡ thành, thùng. Do lực lượng còn mỏng, nên các thanh tra viên tập trung tuần tra, kiểm soát tại những tuyến đường thường có xe trọng tải lớn chạy qua. Những ngày đầu, có buổi lực lượng chức năng dừng 3 xe thì có 3 xe chở quá tải, vượt từ 15-30%, nhưng đến nay đã tình trạng này đã không còn…

Nhận thấy việc xử lý xe quá tải, quá khổ thông qua tuần tra, kiểm soát chỉ giải quyết được phần ngọn, còn để xử lý tận gốc thì thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, chủ phương tiện, tài xế là quan trọng nhất, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung này.

Ông Đỗ Xuân Tiến, Đội trưởng Đội thanh tra số 1m Thanh tra Sở Giao thông vận tải, nói: Hằng năm, chúng tôi đều lập danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải và gửi cam kết chấp hành quy định về vận tải hàng hóa, đặc biệt là công tác kiểm tra bốc xếp hàng lên phương tiện tại các bến, bãi. Năm nay, ngay từ đầu năm, đơn vị cũng siết chặt kiểm tra hoạt động bốc xếp hàng hóa lên xe.

Đợt cao điểm của lực lượng chức năng được triển khai đồng bộ nên tình trạng xe quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh đã “yên”. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, qua hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, các doanh nghiệp đã tự giác hơn trong việc chấp hành quy định.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Phú Lộc, chia sẻ: Đơn vị có 9 đầu xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng. Thời điểm trước đó, hầu hết các xe “cơi nới thành thùng” khoảng 20cm để hạn chế vật liệu rơi vãi xuống đường. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng tất cả các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện đúng quy định, đơn vị cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Trong đợt cao điểm này, cơ quan chức năng triển khai quyết liệt ở các địa bàn, không có tình trạng “nơi siết chặt, nơi buông lỏng”, rất công bằng trong cạnh tranh giá cước vận chuyển nên chúng tôi đồng thuận chấp hành.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 1.600 đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa, với hơn 3.500 đầu xe ô tô. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đến nay có khoảng 95% số đầu xe đã tháo “cơi, nới” về nguyên bản thiết kế của nhà sản xuất.

Với vị trí là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nên nhu cầu vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn, với khoảng 28 triệu tấn hàng/năm. Tình trạng xe quá khổ, quá tải luôn có chiều hướng phức tạp. Vì vậy, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục duy trì xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp, chủ phương tiện chấp hành quy định về trọng tải để bảo vệ hạ tầng và trật tự an toàn giao thông.

Dương Hưng