Một ngày tháng 8, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đ. V. B., ở xã Bàn Đạt, vợ chồng anh vừa phải trải qua cú sốc lớn khi mất đi người con trai cả do bị ngã xuống sông Đào.
Theo lời kể của anh B., con trai anh năm nay vừa học xong lớp 12, trong thời gian chờ kết quả thi đại học, cháu xin phép gia đình đi làm thêm tại Khu công nghiệp Điềm Thụy. Tối 16-7, gia đình chờ mãi không thấy cháu đi làm về, gọi điện cũng không liên lạc được nên tổ chức đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả.
Sau đó 4 ngày, nghe tin ở xã Lương Phú phát hiện 1 thi thể nổi trên sông Đào, gia đình anh đã xuống tận nơi nhưng do xác nạn nhân đã bị phân hủy, biến dạng hoàn toàn khuôn mặt nên không thể nhận dạng được, vợ chồng anh phải chờ kết quả giám định huyết thống. Sau khoảng 10 ngày, gia đình anh B. nhận được thông báo kết quả mẫu gửi giám định giữa vợ anh và thi thể được phát hiện ở xã Lương Phú là có quan hệ huyết thống.
Qua trích xuất hình ảnh camera dọc sông Đào, nguyên nhân con trai anh tử vong bước đầu được xác do bị trượt cả người và xe xuống sông vào lúc sẩm tối, tại đoạn sông thuộc xã Bảo Lý. Sau đó, Công an huyện Phú Bình cũng vớt được chiếc xe máy con trai anh sử dụng.
Tìm hiểu thêm tại các xã, thị trấn có sông Đào chảy qua như: Tân Đức, Lương Phú, Hương Sơn, Bảo Lý... chúng tôi được biết, chuyện người dân đi trên các tuyến đường gần bờ sông bị ngã xuống sông hầu như năm nào cũng xảy ra.
Ngoài vụ việc nói trên thì tại đoạn sông chảy qua địa bàn các xã Tân Đức, Lương Phú cũng đã từng có trường hợp cả người và xe bị lao xuống sông khiến người điều khiển phương tiện thiệt mạng.
Quan sát dọc bờ sông, chúng tôi nhận thấy phần lớn đều không có rào chắn ngăn cách giữa đường với sông. Chỉ một số đoạn ngắn có đông người và phương tiện qua lại như ở thị trấn Hương Sơn, cổng Trường THPT Phú Bình... mới có rào chắn, nhưng cũng chỉ được lắp đặt ở một bên, nơi giáp Quốc lộ 37.
Hơn nữa, đa số các tuyến đường cạnh sông đều nhỏ hẹp, người điều khiển phương tiện giao thông nếu phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu tập trung khi lái xe sẽ rất dễ xảy ra va chạm và có thể bị rơi xuống sông.
Không chỉ thiếu rào chắn, nhiều đoạn đường dọc sông Đào còn chưa được trang bị đèn chiếu sáng vào ban đêm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi người dân lưu thông qua đây vào trời tối.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, ở xóm Vạn Già, xã Bảo Lý, cho biết: Nhà tôi gần tuyến đường dọc sông Đào nên ngày nào tôi cũng phải đi lại qua đó. Nhưng vì đoạn đường này không có rào chắn và điện chiếu sáng nên tôi rất hạn chế đi lại vào buổi tối. Tôi được biết nhiều người đi đường bị ngã xuống sông nên việc lắp đặt rào chắn là rất cần thiết.
Theo thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Phú Bình, trung bình mỗi năm, trên các tuyến đường dọc sông Đào xảy ra khoảng 2 vụ va chạm giao thông được lực lượng chức năng ghi nhận, chưa kể các vụ việc người dân tự ngã hoặc tự hòa giải sau va chạm.
Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất những thiệt hại, rủi ro cho người tham gia giao thông nói chung và tại các tuyến đường dọc sông Đào nói riêng, hàng năm, Công an huyện Phú Bình đều phối hợp với chính quyền, trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, hướng dẫn cách tham gia giao thông an toàn cho người dân và học sinh; ra quân dọn vệ sinh, phát quang cây cối dọc các tuyến sông để mở rộng tầm nhìn...
Tuy nhiên, cùng với những giải pháp nêu trên thì việc lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, rào chắn an toàn dọc bờ sông Đào là rất cần thiết.