Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, “bức tranh” làng quê ở huyện Phú Lương có nhiều khởi sắc. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở, mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng, huyện đã triển khai đề án Bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025. Trong đó quan tâm gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc để không bị mai một qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về hoạt động văn nghệ, bảo tồn văn hóa các dân tộc tại khu dân cư.
Có thể dẫn chứng như đầu tháng 4-2022, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện phối hợp với UBND xã Yên Ninh tổ chức tập huấn hoạt động văn nghệ và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Trong thời gian 5 ngày, các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ ở các xóm được cán bộ của Trung tâm hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng kịch bản tổ chức chương trình văn nghệ ở xóm.
Các học viên còn được học hỏi, giao lưu hát then, đàn tính của dân tộc Tày; hát ví, múa bát, múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao; đàn hát dân ca, hát chèo; hướng dẫn hát các ca khúc cách mạng... Sau khóa tập huấn, các câu lạc bộ đã tổ chức bài bản những chương trình văn nghệ, mang lời ca, tiếng hát, điệu múa phục vụ người dân.
Tôi nhớ lại khi mình đến xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt năm 2021 (xóm cơ bản là người Dao sinh sống). Khi đó, xóm được lựa chọn làm điểm để xây dựng mô hình mẫu làng bản văn hóa cơ sở của tỉnh nhằm phát huy và giữ gìn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.
Sau một thời gian được các cán bộ của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh hướng dẫn phục dựng nghi lễ Tơ Hồng, hát ví, múa chuông của dân tộc mình, các thành viên của Đội văn nghệ xóm đã hăng say tập luyện, khả năng diễn xuất thuần thục.
Bà Đặng Thị Mấy, 77 tuổi, nói: Tôi mới biết hát ví dặm mấy năm nay thôi. Ban đầu học khó nhưng tôi thích giai điệu nên đã cố gắng tập luyện để giữ gìn nét đặc sắc của dân tộc mình.
Dõi theo các thành viên của đội văn nghệ xóm Cộng Hòa từ lúc tập luyện đến khi lên sân khấu biểu diễn, ông Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Động Đạt, cho biết: Quan điểm của Đảng ủy xã là xây dựng nông thôn mới không làm thay đổi, mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vậy, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng mô hình điểm làng, bản văn hóa để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh hướng dẫn điệu múa của người Dao cho Đội văn nghệ xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt.
Không riêng Yên Ninh, Động Đạt, thời gian qua, tại nhiều xã như Phủ Lý, Yên Đổ, Tức Tranh… các hạt nhân nòng cốt văn hóa, văn nghệ của các xóm đã được cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện hướng dẫn một số kỹ năng xây dựng, phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ. Nhiều bài hát then, đàn tính của người Tày, múa Tắc xình của người Sán Chay đã được truyền dạy. Tại các xã có thế mạnh về sản xuất, chế biến chè, các học viên còn được hướng dẫn cách pha trà, thưởng trà để phát triển điểm du lịch cộng đồng hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Phú Lương, cho biết: Thực hiện đề án Bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025 của huyện, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hạt nhân văn hóa, văn nghệ của các xóm, xã trên địa bàn (trung bình mỗi năm tại 2 xã). Ngoài một số kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ về xây dựng, phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Có thể nói, việc xây dựng các mô hình điểm về hoạt động văn nghệ và bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Phú Lương thời gian qua đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân văn nghệ. Từ đó thúc đẩy hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở, tạo hiệu ứng tích cực cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể.