Cập nhật: Thứ bẩy 10/09/2022 - 07:45
Một phần dự án đường Bắc Sơn kéo dài đã được thông xe, đưa vào sử dụng.
Một phần dự án đường Bắc Sơn kéo dài đã được thông xe, đưa vào sử dụng.

Với vai là trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, TP. Thái Nguyên đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi phương diện. Đáng chú ý, những “gam màu” tươi mới của hạ tầng giao thông là điểm nhấn cho một đô thị hiện đại, góp phần quan trọng trong việc mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển chung.

Trong tháng 8 và tháng 9 này, ba công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã đồng loạt được thông xe, đưa vào sử dụng, gồm: Đường Việt Bắc kéo dài, đường Bắc Sơn kéo dài, nút giao khác mức giữa đường Thống Nhất và đường Việt Bắc.

Trong số này, nút giao khác mức giữa đường Thống Nhất và Việt Bắc là hầm chui đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc, với vốn đầu tư khoảng 210 tỷ đồng. Công trình có chiều dài toàn tuyến 495m, chiều rộng hầm 12,7m, quy mô 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Sau khi hoàn thành, công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ở khu vực trung tâm TP Thái Nguyên.

Cùng với đó, các công trình đường Bắc Sơn và đường Việt Bắc kéo dài, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), dù chưa hoàn thành toàn bộ khối lượng thiết kế nhưng việc thông xe đã giúp kết nối, mở rộng không gian đô thị về phía Nam và phía Tây thành phố; góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch hồ Núi Cốc.

Bên cạnh các công trình vừa đề cập, trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã và đang triển khai hàng loạt công trình, dự án trọng điểm, với trọng tâm là các hạng mục hạ tầng giao thông. Cụ thể, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Thái Nguyên (tổng nguồn vốn 87,6 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới và đối ứng ngân sách Trung ương, địa phương) đã cơ bản hoàn thiện 13/13 hạng mục công trình.

Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP. Thái Nguyên (tổng nguồn vốn thực hiện 100 triệu USD, từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, địa phương đối ứng thực hiện giải phóng mặt bằng, thuế, phí và một số chi phí khác). Các hạng mục giao thông quan trọng thuộc Dự án này gồm: Nâng cấp cầu Đán, nâng cấp đường khu dân cư Đồng Bẩm, xây dựng đường Huống Thượng - Chùa Hang, xây dựng đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng, nâng cấp đường Lê Hữu Trác.

Nhiều dự án giao thông khác được phê duyệt chủ trương đầu tư theo nghị quyết của HĐND tỉnh, đang thực hiện các bước chuẩn bị để triển khai thi công, như: Xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn; xây dựng tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn từ nút giao Sông Công đến núi giao Tân Lập. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Thái Nguyên cũng triển khai 56 dự án hạ tầng khu đô thị, khu dân cư… sử dụng vốn ngoài ngân sách.

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của các công trình trọng điểm, nhất là về hạ tầng giao thông trên địa bàn, Thường trực Tỉnh ủy đã có nhiều cuộc làm việc với TP. Thái Nguyên để nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu xử lý nghiêm dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích. Cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của TP. Thái Nguyên cũng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, nhất là trong vấn đề giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính, huy động nguồn lực để đối ứng và đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tại hội nghị làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ mới đây, lãnh đạo UBND TP. Thái Nguyên khẳng định quyết tâm đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm theo kế hoạch. Để đạt điều này, địa phương xác định tiếp tục tập trung các nguồn lực thực hiện những phần việc; rà soát, phân loại đối với từng dự án để có giải pháp cụ thể, đề xuất lộ trình xử lý, khắc phục phù hợp đối với một số vướng mắc còn tồn tại.

Theo quy hoạch chung của tỉnh, TP. Thái Nguyên là đô thị trung tâm có vai trò kết nối và điều phối. Do vậy, kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông được xác định phát triển theo hướng đồng bộ, chất lượng cao. Với “bức tranh” giao thông như hiện tại, cùng định hướng và các giải pháp đồng bộ, TP. Thái Nguyên hoàn toàn có thể kỳ vọng về một hệ thống giao thông hiện đại trong tương lai, góp phần tạo lập đô thị hiện đại, năng động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Nhị Hà