Trong mỗi gia đình, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà bày những mâm cỗ Trung thu khác nhau để dâng cúng thần linh, tổ tiên và gửi gắm những mong muốn, hy vọng tốt đẹp cho cuộc sống, cho con cháu trong nhà.
Trong mỗi mâm cỗ không thể thiếu “ngũ quả” gồm 5 loại quả đặc trưng của mùa thu.
Nhà báo, chuyên gia ẩm thực Vũ Tuyết Nhung cho biết, ngày nay dịch vụ hiện đại, nhiều loại hoa quả để người tiêu dùng lựa chọn, cho nên xu hướng của nhiều gia đình khá giả là bày thật nhiều hoa quả. Nhưng mâm cỗ ngày xưa chủ yếu chỉ có chuối, quả bòng, thường là quả bòng thật to và thật thơm, quả bưởi, na, hồng chín, hồng xanh… Nhiều nhà thích bày thêm cả hai thứ quả đặc biệt thơm vào mùa thu, là thị và ổi găng hoặc ổi đào.
Nhà báo, chuyên gia ẩm thực Vũ Tuyết Nhung cho biết, những người phụ nữ Hà Nội xưa rất khéo tay và tinh tế. Họ tỉa hoa từ lớp vỏ xanh và vỏ trắng của quả bưởi, nhuộm màu xanh đỏ trên cánh hoa, ngoài ra còn ghép các múi bưởi làm con chó, con thỏ. Bên trên bày chủ yếu là hoa quả, ở dưới bày đồ chơi như đèn ông sao, đèn lồng...
Trái cây tạo thành hình các con vật để chuẩn bị cho mâm ngũ quả.
Mâm cỗ trông trăng ở nông thôn thì mùa nào thức ấy, ở thành phố thì mua được gì bày cái đó, ngày xưa các gia đình còn bày cả những loại quả mà bây giờ không ai bày nữa là hồng xiêm, khế ngọt.
Mẹ của chị Vũ Tuyết Nhung, người đã truyền lại cho chị không ít những kinh nghiệm về các món ăn cầu kỳ cổ truyền của Hà Nội xưa, cũng đã dạy con cái mình cách lựa chọn các loại quả bày mâm cỗ qua mỗi kỳ đi chợ Trung thu: “Đi chợ kỳ trung thu, mẹ tôi rất kỹ kén. Quả phải vừa ngon vừa đẹp. Nải chuối gốc quả no tròn, xanh óng. Na mẹ chọn giống na Phùng, mắt to, vỏ mỏng, lá tươi. Hồng mẹ chọn giống hồng ngâm Hạc Trì, Phú Thọ ít hạt mà đanh giòn”. Bưởi phải chọn quả bưởi đào róc múi, tôm to, ăn cũng ngon mà bóc múi tẽ tép làm con thỏ, con chó cũng đẹp. Bưởi trắng lắm quả tôm nhỏ, múi nát, chỉ để gọt cùi, uốn vỏ, nhuộm màu thành bưởi hoa. Bánh nướng bánh dẻo cũng phải chọn tùy hiệu Ngọc Anh hay Gia Thịnh”.
Ngoài ra, không thể thiếu được các sản vật của mùa thu như cốm, bánh nướng bánh dẻo. Cốm phải là cốm làng Vòng xanh mướt, gói trong lá sen, vừa tháo sợi rơm xanh buộc gói cốm đã nghe mùi thơm nức, nhẹ nhàng mà không giấu đi đâu được. Bánh nướng bánh dẻo phải có ít nhất một cặp nhân thập cẩm. Ngoài ra, trên mâm cỗ còn có những món dành cho trẻ nhỏ như hoa quả hoặc con giống bằng bột, đàn lợn mẹ lợn con bằng bánh nướng, đặt trên những sợi giấy pơ luya cắt mỏng như một chiếc ổ rơm thực sự, hoặc cặp bánh cá chép-biểu tượng cho sự vượt vũ môn.
Những món lễ vật và hoa quả trên mâm cỗ cúng đều mang ý nghĩa mong muốn một sự vẹn toàn, đầy đủ, sinh sôi nảy nở hoặc cho con cháu thành đạt sau này. Các lễ vật cũng là lòng biết ơn kính dâng lên tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc thuận lợi…
Mâm ngũ quả của một gia đình khá giả ở Hà Nội đầu thế kỷ 20. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)
Thường mâm cỗ Trung thu được đặt ở giữa sân, sau khi cúng xong, cả gia đình cùng nhau quây quần để trông trăng, phá cỗ. Nhà báo Vũ Tuyết Nhung kể, hồi chị còn nhỏ, các cụ nhà chị ở phố thường đặt thau đồng nước bên mâm cỗ trung thu, để khi nào trăng lên sẽ hiện bóng vào thau nước. Đó là một cách thưởng trăng rất tinh tế của người Hà Nội xưa.
Mâm cỗ trông trăng là một trong những giá trị truyền thống vẫn còn được lưu giữ và phát triển trong đời sống hiện đại ngày nay. Những năm gần đây, khi kinh tế phải triển hơn, đã có bóng dáng những loại trái cây nhập khẩu cao cấp hiện diện tại các mâm cỗ Trung thu. Nhưng dù là loại lễ vật nào, dù mâm cỗ cầu kỳ công phu hay đơn giản, quan trọng nhất là tấm lòng của người dâng lễ hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn và thể hiện lòng biết ơn với những gì mình đang có.