Đây là lần đầu Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm về văn học trinh thám. Sự kiện này cũng được thực hiện nhân dịp nhà văn trinh thám Na Uy Oystein Torsrud sang giao lưu với độc giả Việt Nam theo lời mời của Công ty sách Liên Việt, đơn vị chuyển ngữ và phát hành tiểu thuyết “Cơn bão” của ông và sự kiện tiểu thuyết trinh thám “Trại Hoa Đỏ” của nhà văn Di Li được K+ chuyển thể thành phim. Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả: Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Oystein Torsrud, nhà văn Di Li.
Văn học trinh thám Việt Nam đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 1930 của thế kỷ trước với những tác phẩm mang hơi hướng phiêu lưu, kỳ bí. Những năm gần đây, số lượng nhà văn viết trinh thám ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với sự gia tăng bạn đọc.
Theo nhận định từ giới chuyên môn, tác phẩm trinh thám hiện đại đã có sự khác biệt so với truyện điều tra thám tử - tội phạm truyền thống. Yếu tố trinh thám được các nhà văn, nhà làm phim trên khắp thế giới khai thác như một công cụ hiệu quả để truyền tải các thông điệp nghệ thuật.
Bằng góc nhìn tiếp cận từ văn hóa và nghiệp vụ, tọa đàm thảo luận về các vấn đề chính: Lý giải tại sao văn học trinh thám ở Việt Nam còn non trẻ; sự khác nhau giữa trinh thám Đông và Tây, giữa nền trinh thám hiện đại và truyền thống; khả năng khai thác thế mạnh của thể loại dành cho những người cầm bút ở Việt Nam trong lĩnh vực sáng tác tiểu thuyết nói chung.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông hoàn toàn ủng hộ và mong muốn văn học trinh thám Việt Nam phát triển. Theo ông, người Việt mê đọc thể loại này, nếu có những tác giả viết tốt thì nền văn học nhìn chung sẽ được hưởng lợi. Ông cũng đưa ý tưởng về khả năng tổ chức những cuộc thi riêng cho các thể loại trinh thám tại Việt Nam.
Nhà văn Di Li cho biết, sự logic, tính cách suy lý của phương Tây là điều giúp cho văn học trinh thám phương Tây phát triển mạnh. Một thực tế là với lượng dân cư không quá lớn, nhưng trinh thám Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch... có thể bán được hàng triệu bản. Bên cạnh đó, trinh thám phương Đông cũng rất mạnh ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Ngày nay, các vấn đề như bạo lực học đường, tội phạm công nghệ cao, bắt nạt qua mạng xã hội... đều đã phảng phất có trong văn học đương đại. Nhà văn Di Li nhấn mạnh các kỹ thuật điều tra hiện đại sẽ là điểm nhấn để văn học trinh thám trở nên “đúng đắn” hơn trước đòi hỏi và nhu cầu của độc giả. Đặc biệt, các kỹ thuật của thể loại này có thể áp dụng tốt cho mọi dạng tiểu thuyết khác.
Nhà văn Oystein Torsrud cho biết, việc xuất bản sách ở Na Uy không phải là điều dễ dàng bởi các nhà xuất bản đều khó tính và khắt khe. Tuy nhiên đó là động lực để văn học trinh thám Na Uy phát triển. Ông chọn tác phẩm đầu tay “Cơn bão” để giới thiệu ở thị trường Việt Nam.
Lý do của sự phát triển nằm nhiều ở việc các nhà văn quan tâm đến các vấn đề của xã hội bản địa đương đại, cố gắng truyền tải điều ấy qua tác phẩm. Đây là một bài học kinh nghiệm cho các nền văn học khác. Tại cuộc tọa đàm, đại diện truyền hình K+ nhấn mạnh, sẽ đẩy mạnh các dự án đầu tư, chuyển thể điện ảnh đối với văn học Việt Nam trong tương lai gần. Trong đó, các tác giả trẻ của Việt Nam sẽ là một nguồn tài nguyên vô cùng phong phú.
Trong vai trò điều phối chương trình tọa đàm, nhà văn trẻ Đức Anh, tác giả của tiểu thuyết trinh thám “Đảo bạo bệnh” từng đoạt giải tại cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 4 (2017-2020)” cho rằng, sự ảnh hưởng của văn học nước ngoài đến Việt Nam thông qua ba yếu tố: Văn phong, cách đặt vấn đề và cách tư duy tổ chức cốt truyện.
Để phát triển trong tương lai, các tác giả trong nước cần phát huy yếu tố bản địa, kết hợp các kỹ thuật học được từ các nền văn học phát triển. Bạn đọc hiện nay đều mong muốn các tác giả trẻ sẽ chuyển tải nhiều hơn về cảm xúc, cách kể chuyện, đặc trưng bối cảnh, đặc biệt là các vấn đề của đất nước trong quá khứ, và trinh thám như một công cụ để diễn đạt các quan điểm nghệ thuật.