Cập nhật: Thứ hai 03/10/2022 - 14:56

Lần đầu tiên Liên hoan phim về thiên nhiên được tổ chức tại Việt Nam. Cùng thời điểm này, Viện Goethe giới thiệu 2 bộ phim thuộc Dự án sản xuất phim tài liệu sinh thái do các nhà làm phim Việt Nam thực hiện. Không chỉ mang đến cho công chúng thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ thiên nhiên, môi trường, các sự kiện này là cơ hội lớn cho các nhà làm phim yêu thích phim tài liệu, đặc biệt là giới trẻ.

Một số bộ phim tham gia Liên hoan phim về thiên nhiên.

Những thông điệp mạnh mẽ

Diễn ra từ ngày 23-9 đến ngày 7-10 với sự tham gia của 14 quốc gia, “#It’s Time To Act - A Nature Film Festival in Vietnam” là liên hoan phim quốc tế về thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam. Liên hoan do Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam điều phối, nằm trong khuôn khổ các hoạt động quốc tế thuộc Tuần lễ khí hậu 2022 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tại Liên hoan, 17 bộ phim điện ảnh, phim tài liệu và phim ngắn được trình chiếu miễn phí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với phụ đề tiếng Việt. Khán giả tiếp cận những câu chuyện về thiên nhiên ở nhiều vùng đất trên thế giới. Đó có thể là hành trình nhiều năm “Theo dấu chân loài báo” của điện ảnh Tây Ban Nha; là hành trình của một gấu mẹ Bắc Cực và đàn con khi băng tan chảy dưới chân trong phim “Nữ hoàng không quê hương” của điện ảnh Na Uy... hay những vấn đề môi trường gây nhức nhối trong các tác phẩm của điện ảnh Việt Nam, Đức, Anh...

Tiến sĩ Oriol Solà Pardell, Bí thư thứ nhất phụ trách hành chính, lãnh sự và văn hóa của Đại sứ quán Tây Ban Nha, đồng thời là người điều phối Liên hoan phim đánh giá: “Liên hoan phim là một nỗ lực mang tính quốc tế nhằm đem lại hy vọng cho thiên nhiên. Hãy cùng nhau cứu lấy tương lai!”.

Tiến sĩ Trang Nguyễn, nhà sáng lập Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã WildAct Vietnam chia sẻ: “Đầu năm nay, tôi nhận được một cuộc gọi từ tiến sĩ Oriol, anh ấy có ý tưởng rất hay để có thể đưa những thông điệp bảo tồn đến gần hơn với cộng đồng. Đó là tổ chức một liên hoan phim về thiên nhiên và môi trường. Tiến sĩ Oriol không cần nhiều thời gian để thuyết phục tôi và WildAct tham gia dự án này. Liên hoan phim sẽ mang khán giả đến gần hơn với thế giới tự nhiên qua những thước phim vô cùng kỳ diệu, từ châu Mỹ đến châu Âu và quay trở về Việt Nam. Bên cạnh những thước phim đẹp đến nghẹt thở về trái đất, chúng ta cũng sẽ thấy được sự thật trần trụi thông qua những hình ảnh chân thực khiến người xem phải nổi da gà, đó là tác động khủng khiếp mà con người đang gây ra cho trái đất này”.

Cơ hội cho các nhà làm phim

Những bộ phim hay mang đến thông điệp mạnh mẽ và ngược lại, sự quan tâm đặc biệt của công chúng đến vấn đề môi trường mở ra cho các nhà làm phim nhiều cơ hội.

Tiến sĩ Trang Nguyễn nhận định: “Phim tài liệu có thể sẽ là công cụ ngày càng quan trọng trong việc thu hút cộng đồng đóng góp vào những nỗ lực bảo tồn, khi mà trải nghiệm ngoài thiên nhiên ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời sống con người. Khoa học đã chỉ ra rằng, phim tài liệu về thiên nhiên có thể khiến người xem đồng cảm hơn với những loài xuất hiện trong phim, nâng cao quyền công dân về môi trường, tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức bảo tồn, và tạo ra thái độ tích cực cũng như các chuẩn mực xã hội giúp hỗ trợ cho các thay đổi về chính sách”.

Chính vì sức tác động mạnh mẽ của phim tài liệu mà nhiều đơn vị, tổ chức đã có các hoạt động hỗ trợ cho việc làm phim về môi trường. Mới đây, Viện Goethe đã giới thiệu 2 bộ phim thuộc Dự án sản xuất phim tài liệu sinh thái, gồm: “Bình Yên, về nào!” và “Hành trình tới Xuân Liên”. Dự án nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu để kể những câu chuyện về phát triển bền vững thông qua các thước phim tài liệu. Đạo diễn của cả hai bộ phim đều còn rất trẻ. Xuất thân từ phóng viên ảnh, lần đầu tiên có cơ hội làm phim tài liệu, đạo diễn Nguyễn Hoàng Việt không giấu nổi sự tự hào khi được ban tổ chức đặt niềm tin: “Lúc đầu nhận dự án tôi rất run, nhưng khi ra được phim thì rất mừng và nhận được phản hồi của Ban giám khảo thì thấy yên lòng”. Còn đạo diễn Nguyễn Mạnh chia sẻ: “Dự án là một cơ hội tuyệt vời, bởi trước đây muốn làm phim thì các nhà làm phim độc lập như chúng tôi phải vất vả lo nhiều việc, từ xin tài trợ đến liên hệ với các cơ sở để ghi hình”.

Bảo vệ thiên nhiên, môi trường là vấn đề nóng bỏng toàn cầu và ở địa hạt này, phim tài liệu đã chứng tỏ được sức mạnh lan tỏa thông điệp, truyền cảm hứng hành động tới người xem. Sự quan tâm của công chúng và các tổ chức xã hội đang giúp những nhà làm phim tài liệu trong nước có nhiều cơ hội để làm phim, để quảng bá tác phẩm và tỏa sáng.


Theo Hanoimoi.com.vn