Đây là tác phẩm vừa được Nhà hát Chèo Thái Bình hoàn thành dàn dựng, đưa đi tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 dự kiến diễn ra tại Hà Nam thời gian tới.
“Thiên duyên huyền tích” được Nghệ sĩ ưu tú Lê Thanh Tùng đạo diễn dựa trên kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện - đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017; chuyển thể chèo: Thạc sĩ Lê Thế Song; biên đạo múa: Nghệ sĩ Ưu tú Lê Khánh Toàn; âm nhạc: Nghệ sĩ Ưu tú Đào Tuấn Hải; thiết kế mỹ thuật: Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng.
Vở diễn khai thác câu chuyện tình yêu giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, một thiên diễm tình bất hủ gắn liền khát vọng non sông hưng thịnh, thái hòa vào thời các Vua Hùng dựng nước.
Huyền tích dân gian này đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức người dân đất Việt bởi không chỉ cuốn hút với câu chuyện tình lãng mạn, giàu chất thơ, hòa quyện giữa yếu tố cổ tích và thần thoại, mà còn chở theo những triết lý nhân sinh sâu sắc, đặc biệt là khát khao được hạnh phúc, được tự do trong tình yêu.
“Thiên duyên huyền tích” khắc họa đậm nét hành trình Chử Đồng Tử - Tiên Dung cùng kiên quyết, đồng lòng vượt qua những rào cản về địa vị, giai tầng, sự ngăn cản của vua cha và cả những âm mưu nham hiểm của quan Lạc tướng để nên duyên chồng vợ. Cùng với vun vén hạnh phúc lứa đôi, họ còn là những người có công giúp dân làng gầy dựng cuộc sống no ấm, yên vui.
Chử Đồng Tử cất công lên đường tầm sư học đạo để về chữa bệnh cho dân làng, mở rộng bang giao. Còn công chúa Tiên Dung sớm hôm tần tảo hướng dẫn dân làng cách trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dạy dân những câu hát hát ngọt ngào thấm đượm tình quê...
Vở diễn khép lại bằng hình ảnh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung hóa thành đôi hạc trắng bay về trời. Bản lĩnh, ý chí, lòng kiên trung, sự bao dung, tình yêu con người của Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã định hình nên những giá trị văn hóa cao đẹp của con người Việt Nam: luôn đoàn kết, yêu thương và hướng thiện.
Tác giả Lê Thế Song chia sẻ: Dù kịch bản gốc mang tên “Cây gậy thần” đã được cố tác giả Hoàng Luyện viết cách đây hơn 60 năm, nhưng những thông điệp gửi gắm trong tác phẩm vẫn có giá trị với cuộc sống hôm nay. Còn theo Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, đây là kịch bản thật sự phù hợp và phát huy được thế mạnh của nhà hát.
“Khai thác huyền tích dân gian mang đến nhiều đất diễn cho nghệ thuật chèo, đồng thời giúp ê-kíp sáng tạo, nghệ sĩ phát huy được đầy đủ các đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống”, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Ngọc Cải nhấn mạnh.
Gần đây nhất, trước “Thiên duyên huyền tích”, kịch bản “Cây gậy thần” đã được chính tác giả Lê Thế Song chuyển thể cải lương để Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng. Nếu ở phiên bản xiếc kết hợp cải lương, người xem bị cuốn hút bởi màu sắc ly kỳ, huyền bí được tạo nên bởi sự sánh vai thú vị giữa ngôn ngữ xiếc, cải lương và nhiều tình huống, xung đột được đẩy lên cao, thì với “Thiên duyên huyền tích”, người xem lại bị chinh phục bởi vẻ đẹp đầy trữ tình, lãng mạn toát lên ở từng lớp diễn.
“Thiên duyên huyền tích” đã thực sự khoe được vẻ đẹp của chèo truyền thống, đặc biệt thể hiện qua sự giàu có của những làn điệu chèo sâu lắng, mượt mà. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thanh Tùng chia sẻ, với vở diễn này, ông muốn giới thiệu với khán giả cả nước một làng chèo nức tiếng đất Thái Bình mang tên Làng Khuốc - nơi sở hữu cả trăm làn điệu chèo với chiếu chèo lớn được biểu diễn thường xuyên. Đó là lý do câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn của Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã được chắp cánh bởi vài chục làn điệu chèo da diết.
Có lẽ hiếm vở diễn nào huy động được nhiều làn điệu chèo như “Thiên duyên huyền tích”. Những giai điệu ấy càng đi vào lòng người khi được thể hiện bởi các giọng ca đang ở độ chín và cách diễn giàu nội lực của các nghệ sĩ trưởng thành từ nôi chèo Thái Bình, như: Nghệ sĩ Quang Dũng (vai Chử Đồng Tử), Lê Vân (vai Tiên Dung), Mạnh Hùng (vai Vua Hùng), Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hiện (vai Hoàng hậu), Mạnh Hà (vai quan Lạc tướng), Công Đoàn (vai quan Lạc hầu).
Thưởng thức vở diễn, Thạc sĩ Xuân Hồng, con gái cố tác giả Hoàng Luyện cho biết chị đã từng xem nhiều bản dựng sân khấu khác nhau đối với kịch bản “Cây gậy thần”, mỗi bản diễn đều có cách khai thác và góc nhìn riêng. “Nhưng với bản dựng chèo lần này, tôi rất thích cách đạo diễn đưa màn hát trống quân vào hội làng cũng như cách ê-kíp sáng tạo đưa âm nhạc, các làn điệu chèo vào vở diễn để làm bật chất trữ tình, lãng mạn. Có thể nói, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình đã tiếp tục mang đến nguồn sinh khí mới cho kịch bản gốc của cha tôi”…