Cập nhật: Thứ tư 05/10/2022 - 09:30
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối người lao động và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh qua hình thức trực tuyến.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối người lao động và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh qua hình thức trực tuyến.

Tạo việc làm tốt hơn cho người lao động (NLĐ), giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm và đảm bảo môi trường làm việc an toàn; đầu tư phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, liên thông giữa các hệ thống thông tin là mục tiêu Thái Nguyên đang hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Để phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm, Sở Lao động - TB&XH chủ động phối hợp với các cấp, ngành trong tỉnh và một số tỉnh lân cận phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Qua đó nhiều doanh nghiệp giải được “cơn khát” nhân lực, NLĐ tìm kiếm được việc làm theo nguyện vọng.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, bối cảnh hậu dịch COVID-19 đã đẩy  nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Thời điểm đó, các hoạt động kết nối cung - cầu lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Trung tâm) tăng cường thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cao điểm là “Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động năm 2022” do Sở Lao động - TB&XH trực tiếp tổ chức, thu hút 155 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và 7 tỉnh lân cận tham gia.

Theo khảo sát của Trung tâm trong thời gian 3 năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng từ 30.000 đến hơn 40.000 lao động/năm. Cụ thể năm 2021 cần tuyển dụng hơn 43.000 người; năm 2022 cần tuyển hơn 40.000 người, trong đó gần 35% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; gần 7% lao động kỹ thuật không có bằng cấp; 12% lao động đào tạo thường xuyên; hơn 13% lao động sơ cấp nghề; còn lại là lao động từ trung cấp nghề trở lên, với các vị trí việc làm như công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, nhân viên bán hàng, dệt, may, da giầy, phục vụ nhà hàng, khách sạn...

Để thu hút NLĐ, doanh nghiệp cam kết trả 100% lương ngay trong tháng thử việc, thay vì 80% lương như trước đây. Một số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có thông báo rõ ràng: Yêu cầu tuyển dụng của đơn vị không cao, NLĐ kí hợp đồng làm việc sẽ được đào tạo từ đầu.

Trung tâm cũng đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện khảo sát nguồn nhân lực tại các xã, phường, với khoảng 10.000 NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong đó: 16,8% có nhu cầu làm việc ở TP. Thái Nguyên, đây cũng là khu vực có nhiều doanh nghiệp với đa dạng các vị trí việc làm; 15,1% có nhu cầu tìm việc làm tại huyện Phú Bình; 15% có nhu cầu tại thành phố Phổ Yên, 13,2% có nhu cầu tại TP. Sông Công; 12% có nhu cầu làm việc ở Đại Từ... còn lại ở các địa phương khác.

Thông qua các hoạt đọng khảo sát về nhu cầu “người tìm việc, doanh nghiệp tìm người”, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động sát với thực tế. Tạo dựng được niềm tin cho các bên tham gia thị trường lao động.

Cao Nguyên