Từ chiều 4-10, tại khu vực sân khấu của quảng trường Võ Nguyên Giáp và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các đoàn nghệ nhân từ 14 tỉnh hội tụ để bắt đầu dàn dựng các hoạt động nghệ thuật và khớp chương trình.
Các nghệ nhân người Dao mang đến Thái Nguyên những nét đặc trưng riêng về nét đẹp truyền thống, trang phục của dân tộc mình. Tuy mộc mạc, giản dị nhưng tất cả họ đều nhiệt thành, nghiêm túc hòa mình tập luyện, cùng khớp nối với đoàn nghệ nhân các tỉnh, góp phần cho thành công chung của Ngày hội.
Có mặt tại Thái Nguyên từ chiều 4-10, 24 nghệ nhân dân tộc Dao của Đoàn tỉnh Hà Giang mang đến Ngày hội các tiết mục độc đáo như: biểu diễn trang phục, ẩm thực truyền thống, nghi lễ Cấp sắc của người Dao Chàm Hà Giang.
Các nghệ nhân, diễn viên tích cực hợp luyện để chuẩn bị cho Ngày hội.
Nghệ nhân dân gian Lý Đại Thông, thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, cho hay: Chúng tôi rất mong chờ được tham dự Ngày hội nên đã tích cực tập luyện. Đến Thái Nguyên, mọi người trong đoàn đều phấn khởi khi được hòa mình vào không khí sôi động của Ngày hội. Chúng tôi mong muốn được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao các tỉnh và trao đổi kinh nghiệm để có thể vận dụng trong đời sống, nhất là phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương.
Còn ở Lai Châu, người Dao có dân số trên 55 nghìn người, đứng thứ 3 toàn tỉnh, với nhiều nhóm như: Dao Đỏ, Dao Tuyển, Dao Khâu, Dao Đầu Bằng… Đến với Ngày hội, 35 thành viên của Đoàn nghệ nhân dân tộc Dao tỉnh Lai Châu sẽ giới thiệu những nét đẹp văn hóa, lễ hội của cộng đồng người Dao như: Lễ Tủ Cải, nghệ thuật kèn, múa chuông, trình diễn trang phục dân tộc.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Bàn Tiến Ly, năm nay gần 50 tuổi, ở bản Rừng Ổi, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, chia sẻ: Các nhóm Dao ở Lai Châu chúng tôi cư trú theo tập quán cổ truyền và trong cộng đồng vẫn bảo tồn được văn hoá truyền thống. Về với Ngày hội, tuy không còn trẻ trung nhưng tôi vẫn tham gia nhiều phần thi: trình diễn văn nghệ, múa trống. Đặc biệt, tôi tham gia song tấu kèn Dao. Đây là nội dung tôi tâm huyết nhất, mong muốn được trình diễn để nhiều người cùng biết tới.
Tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nghệ nhân Lý Đại Thông, thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (người bên trái), tập luyện cùng các nghệ nhân khác để chuẩn bị biểu diễn trong Ngày hội.
Cùng với hai đoàn nghệ nhân tỉnh Hà Giang và Lai Châu, đến chiều 5-10, đoàn nghệ nhân các tỉnh đã hội tụ đầy đủ tại Thái Nguyên. Khu vực quảng trường Võ Nguyên Giáp là nơi luyện tập chính cho các hoạt động của Ngày hội luôn rực rỡ sắc màu của trang phục; rộn rã, ngân vang tiếng trống, chiêng, kèn... và thánh thót tiếng chuông đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao...
Theo chương trình, trong 3 ngày diễn ra Ngày hội, các nghệ nhân sẽ trình diễn trang phục truyền thống và các loại hình diễn xướng dân gian của người Dao như: hát Pả dung, hát Coóng dung, Phầy lủi, Coóng phây, Lảo cù ngỏa; múa chuông, múa rùa, múa kiếm, múa khao quân tổng thần…
Cùng với đó, các nghệ nhân còn tái hiện một số nghi lễ, nghi thức truyền thống độc đáo như: Cấp sắc, Lễ Tơ hồng, Tết nhảy và giới thiệu các nghề: làm giấy bản, dệt vải, thêu của các nhóm dân tộc Dao...
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Qua thực tế, chúng tôi nhận định, những tiết mục tái hiện, phần trình diễn đến từ sự kết hợp nhuần nhuyễn của các nghệ nhân 14 tỉnh sẽ rất đặc sắc, đa dạng mà không phải lúc nào nhân dân và du khách cũng có cơ hội được thưởng thức. Do đó, Ngày hội sẽ là hoạt động văn hóa thực hiện tốt ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.