Cập nhật: Thứ năm 06/10/2022 - 16:42
Hát Pả dung giúp đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao thêm phong phú.
Hát Pả dung giúp đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao thêm phong phú.

Gần gũi, dân dã đời thường là Pả dung, tôn nghiêm đến linh thiêng cũng là Pả dung. Bởi sinh ra từ chính đời sống của bà con, từ lao động sản xuất, tín ngưỡng và phong tục tập quán nên Pả dung đã bén rễ vững bền trong tiềm thức người Dao trong cả nước nói chung, ở Thái Nguyên nói riêng.

Pả dung nghĩa là ca hát. Đây là hình thức sinh hoạt văn nghệ đời thường đặc sắc của đồng bào người Dao. Pả dung có thể dùng vào bất kỳ thời gian, hoàn cảnh nào cũng đều phù hợp. Lời Pả dung chủ yếu hình thành và tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn. Trong Pả dung, một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát. Giai điệu cơ bản giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh, tậm trạng và không gian diễn xướng…

Pả dung không “kén” nội dung thể hiện mà trái lại rất phong phú. Mọi hiện tượng tự nhiên của đất trời, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, các sự việc nảy sinh trong đời sống hay tâm tư, nguyện vọng của con người đều có thể được thể hiện qua làn điệu Pả dung. Cũng bởi sự linh hoạt đó nên Pả dung được chia làm nhiều thể loại hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than...); hát trong nghi lễ (hát trong Lễ cấp sắc, Tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng...).

Xuất phát từ thực tiễn, Pả dung “ngấm” vào đời sống của người Dao từ xa xưa một cách hết sức tự nhiên. Như con, cháu nghe mẹ hát mà nhớ, mà thuộc từ khi nào không hay. Cứ thế, Pả dung tồn tại chủ yếu thông qua truyền khẩu tự nhiên trong cộng đồng và được ghi chép lại trong các cuốn sách nghi lễ.

Là người thuộc nhiều làn điệu Pả dung, chị Đặng Thị Hoa, ở xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương) chia sẻ: Lúc còn ở độ tuổi nhi đồng, tôi đã được nghe bà hát. Khi đó bản thân chưa ý thức được là phải học Pả dung nhưng cứ nghe rồi thuộc và bật ra câu hát khi nào không hay. Biết hát rồi thì thấy Pả dung rất hay nên trong xóm có bà nào biết hát là tôi đều đến xin học. Sau này trưởng thành, nhận thức được đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì càng thấy yêu làn điệu này hơn.

Cũng giống như chị Hoa, nghe và học Pả dung từ khi còn nhỏ, đến nay bà Bàn Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB hát Pả dung của người Dao ở xã Phúc Chu (Định Hóa) đã sưu tầm và sáng tác hàng trăm lời Pả dung. Bà đồng thời cũng là người có công trong việc gìn giữ và trao truyền nét văn hóa quý báu này của ông cha. Bà Hồng cho biết: Pả dung dùng trong sinh hoạt hàng ngày, chủ yếu dựa vào tài ứng biến của người hát. Tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát có những câu từ, lời ca khác nhau. Có thể cùng một nội dung muốn thể hiện nhưng khi được truyền tải qua lời Pả dung thì câu chữ mềm mại, ý nhị, thể hiện sự tinh tế của người hát.

Người Dao có thể hát Pả dung ở bất cứ đâu, từ ngày hội, lúc đi chợ, lên nương, khi Tết đến, xuân về hoặc khi bạn đến chơi nhà. Họ hát theo từng nhóm, giữa hai người với nhau hoặc tự hát. Với ngôn từ trong sáng, mộc mạc, Pả dung phần nào cho thấy tâm hồn giản dị, thuần phác của cộng đồng dân tộc Dao.

Hồ sơ bảo tồn và công nhận Pả dung của cơ quan chuyên môn có ghi Pả dung trong các nghi lễ như sau: Người Dao có những bài hát phải học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ cùng với thanh âm của tiếng chuông. Những câu hát, giai điệu của hát tín ngưỡng theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng, nội dung giảng giải về nguồn gốc tổ tiên dòng họ, như: Kể về sự tích Bàn Vương, quá trình thiên di gian nan, vất vả của người Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, khuyên răn đạo lý… phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Hát trong nghi lễ được coi là một nhịp cầu gắn kết thế giới con người với thế giới thần linh nên lời hát trang nghiêm, mục đích chính là gửi lời cầu nguyện của con cháu tới tổ tiên và các vị thánh thần đến chứng kiến buổi lễ.

Có vị trí đặc biệt như vậy trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao, song cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số khác, trong chính cộng đồng người Dao, người thể hiện được Pả dung không nhiều, ngay cả khi Pả dung được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Bà Bàn Thị Hồng luôn đau đáu, lo lắng đến một ngày làn điệu dân ca truyền thống này sẽ bị mai một và thiếu vắng trong đời sống sinh hoạt của người Dao. Do vậy, cùng với việc sưu tầm, gìn giữ các lời hát cổ, bà còn sáng tác lời hát mới và cùng với một số cá nhân giàu tâm huyết khác truyền dạy cho người trẻ.

Tuy người theo học Pả dung chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở con số vài chục người trong nhiều năm nay, nhưng đó cũng là điều khiến bà Hồng vơi đi phần nào nỗi lo thường trực. Bởi học Pả dung cần cả quá trình lâu dài và quan trọng hơn cả là cần môi trường để thực hành làn điệu ấy.

Bên cạnh sự nỗ lực của những cá nhân luôn yêu và tự hào với nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chính quyền các địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống như Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ cũng đã chú trọng tới việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa này thông qua việc thành lập các CLB sinh hoạt văn hóa thường xuyên ở các xóm, bản; xây dựng đội ngũ nghệ nhân tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, quan tâm kêu gọi các dự án liên quan đến bảo tồn trang phục và đạo cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Dao nói riêng.

Bình Yên