Cập nhật: Thứ năm 06/10/2022 - 18:42
Trong số hơn 4.000 đơn vị hiện vật thể khối thể hiện văn hóa dân tộc Dao được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có nhiều trang phục của 12 nhóm ngành Dao trong cả nước.
Trong số hơn 4.000 đơn vị hiện vật thể khối thể hiện văn hóa dân tộc Dao được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có nhiều trang phục của 12 nhóm ngành Dao trong cả nước.

Là một người con của Thái Nguyên, tôi thật tự hào khi ngay giữa trung tâm TP. Thái Nguyên có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ tinh hoa, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thân yêu.

Dạo quanh Bảo tàng dưới bóng nhiều loại cây xanh rợp mát, ngắm nhìn các loài hoa đua sắc màu và ghi lại nhiều hình ảnh đẹp, tôi thấy thật thích thú. Thư thả thăm phòng kiểm kê, bảo quản, 5 phòng trưng bày trong nhà và không gian 6 vùng văn hóa ngoài trời, tôi cảm nhận được sự nỗ lực và tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức của Bảo tàng trong việc nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Sự nỗ lực ấy đã đưa Bảo tàng thực sự trở thành “kho báu” về văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong đó có dân tộc Dao.

Hôm ấy, anh Lương Việt Anh, Phó trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản trực tiếp dẫn tôi vào kho lưu trữ các hiện vật văn hóa của các dân tộc. Vừa đi, anh vừa trò chuyện: Dân tộc Dao có nhiều nhóm ngành, hiện nay Bảo tàng đang lưu trữ được các hiện vật khối, chủ yếu là trang phục của 12 nhóm ngành Dao, cùng tranh thờ, dụng cụ lao động sản xuất và phim, ảnh tư liệu về đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Trong đó, kho chứa các trang phục Dao rất phong phú…

Đúng như anh nói, tôi nhận thấy những bộ trang phục được lưu giữ tại đây rất bắt mắt, nhất là trang phục của thiếu nữ Dao đỏ mặc trong lễ hội, ngày cưới, từ áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm đều được trang trí hoa văn phong phú, đẹp mắt với những màu sắc cơ bản là chàm, trắng và đỏ rực rỡ. Nghe anh Việt Anh lý giải tôi mới biết, theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, sự đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người nên được chọn làm gam màu chủ đạo để trang trí trang phục.

Qua kho hội họa - giấy, kho để các tư liệu phim, ảnh về các dân tộc, tôi thấy quy trình kiểm kê, bảo quản trên 10 bước đều được các cán bộ ở đây thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận đối với từng hiện vật trong hàng nghìn hiện vật đang được lưu trữ. Ngoài việc ghi vào sổ thống kê, các anh, chị tiến hành số hóa các tư liệu nhằm lưu giữ lâu dài, phát huy giá trị văn hóa của các hiện vật. Đặc biệt, chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Thái Nguyên, các cán bộ Phòng Kiểm kê, Bảo quản đã tích cực lựa chọn các tài liệu, hiện vật về văn hóa dân tộc Dao trong kho để phục vụ hoạt động trưng bày chuyên đề.

Rời Phòng Kiểm kê, Bảo quản, tôi đến Phòng Trưng bày của Bảo tàng. Biết tôi muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của người Dao, chị Trịnh Minh Tú, hướng dẫn viên đã đưa tôi đến phòng số 3, nơi trưng bày và giới thiệu văn hóa của các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Ka Đai và Tạng Miến. Tại đây, tôi hòa mình vào dòng du khách tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao được tái hiện sống động qua các bộ trang phục truyền thống cùng một số tổ hợp như: Nghề dệt, nghề thuốc nam, đám cưới, lễ cấp sắc, nhạc cụ và các hiện vật gắn với nghi lễ tín ngưỡng.

Anh Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: Người Dao là một trong những cộng đồng lớn ở Việt Nam. Với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình, thời gian qua, Bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản và đưa văn hóa của người Dao đến với đông đảo du khách. Bảo tàng cũng mời nhiều nghệ nhân người Dao thuộc các nhóm ngành đến trình diễn, trải nghiệm cho du khách nhằm nắm bắt tốt hơn về di sản văn hóa dân tộc Dao... 

Từ ngày 6 đến 8/10/2022, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Thái Nguyên. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chuẩn bị không gian, mặt bằng gian trưng bày của các tỉnh tham gia Ngày hội và địa điểm tổ chức chương trình bế mạc. Đồng thời, tổ chức trưng bày chuyên đề “Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Đây là dịp để Bảo tàng tiếp tục lan tỏa những giá trị di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Dao nói riêng đến với đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là bảo tàng quốc gia, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ gần 50.000 tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Trong hàng chục nghìn tài liệu, hiện vật nói trên có hơn 4.000 đơn vị hiện vật thể khối và gần 600 phim, ảnh tài liệu minh chứng cho sức sống của nền văn hóa dân tộc Dao trong cả nước.

Linh Lan