Chia sẻ về nội dung này, bà Nguyễn Thị Khanh, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành văn vản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp), thông tin: Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi THPL trên địa bàn. Cụ thể như: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/4/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức THPL; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 27/01/2022 về theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2022 trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh lấy việc thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra tình hình THPL về các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính; chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước năm 2022 phù hợp với bối cảnh của địa phương.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại huyện Đại Từ, Định Hoá và TP. Thái Nguyên; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của Chính phủ và địa phương.
Trong công tác kiểm tra tình hình THPL, năm 2022, cơ quan chức năng đã tổ chức 45 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 161 tổ chức, các nhân thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, lĩnh vực đất đai là 12 cuộc đối với 42 đơn vị; lĩnh vực môi trường là 25 cuộc đối với 42 đơn vị; lĩnh vực khoáng sản là 03 cuộc đối với 72 đơn vị; kết hợp nhiều lĩnh vực (đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước) là 03 cuộc đối với 03 đơn vị.
Qua thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 09 tổ chức, cá nhân với số tiền 481 triệu đồng, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 1,2 tỷ đồng.
Các sở, ban, ngành cũng thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động thực thi pháp luật. Chẳng hạn như Sở Tài chính thường xuyên quan tâm tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; cơ quan cảnh sát điều tra trong việc giám định tư pháp về tài chính; chuyển hồ sơ vụ việc sau thanh tra sang cơ quan điều tra để làm rõ các sai phạm, thu hồi tiền cho Nhà nước. Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong các bước tiến hành tố tụng, quá trình giải quyết, xét xử các loại án, nhất là đối với những vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp…
Công tác theo dõi THPL đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong chấp hành, thực thi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của tỉnh trong lĩnh vực này.