Cập nhật: Thứ năm 13/10/2022 - 10:55
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ cùng đại diện Tổ tiết kiệm và vay vốn khảo sát tình hình sử dụng vốn vay của người dân tại xã Bản Ngoại.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ cùng đại diện Tổ tiết kiệm và vay vốn khảo sát tình hình sử dụng vốn vay của người dân tại xã Bản Ngoại.

Được ví là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những năm qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn huyện Đại Từ luôn hoạt động hiệu quả, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tổ TK&VV xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội (Đại Từ) hiện có 60 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng. Đây là tổ TK&VV có dư nợ cao nhất xã. Hàng tháng, Tổ duy trì sinh hoạt thường xuyên để triển khai các chương trình tín dụng của NHCSXH tới tổ viên. Việc họp bình xét cho vay được sự giám sát, chứng kiến của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và tổ chức hội nhận ủy thác, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Do đều là người địa phương nên Ban quản lý Tổ nắm chắc tình hình, hoàn cảnh của từng hộ được vay vốn. Đây đều là những hộ có trách nhiệm và nhu cầu thực sự.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Đại Quyết cho biết: Những năm qua, nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn rất lớn, tập trung chủ yếu vào trồng chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó là các món vay từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Hộ vay nào được giải ngân cũng quý trọng nguồn vốn, sử dụng đúng mục đích đề xuất ban đầu. Từ đó đời sống của các gia đình tổ viên ngày càng được nâng cao, trong Tổ không có nợ quá hạn. Đặc biệt, người dân có điều kiện đóng góp thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Điểm dễ nhận thấy ở các tổ TK&VV hoạt động hiệu quả chính là hình ảnh người tổ trưởng nhiệt tình, trách nhiệm, tỉ mỉ, cẩn trọng, luôn gần gũi với từng hộ vay, nắm vững thủ tục quản lý nguồn vốn chính sách. Từ đó hướng dẫn người dân vay vốn được thuận lợi và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Quản lý 13 hộ vay với tổng dư nợ trên 700 triệu đồng, ông Trần Xuân Thanh, Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Đồng Bục, xã An Khánh, chia sẻ: Trong suốt hơn 15 năm làm Tổ trưởng Tổ TK&VV, tôi luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ sự trông đợi của các hộ khó khăn vào nguồn vốn vay. Vì vậy, sau khi hướng dẫn các hộ vay tiếp cận nguồn vốn, tôi luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. 

Chất lượng tín dụng là yếu tố được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Các hộ vay vốn phải có tinh thần trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn và lãi, được chúng tôi rà soát, chọn lọc kỹ càng. Nếu phát hiện hộ vay nào có ý định chuyển đến nơi khác làm ăn hoặc sử dụng vốn sai mục đích, Tổ sẽ thông tin kịp thời đến đơn vị chủ quản để có biện pháp can thiệp. Đây cũng chính là “bí quyết” để Tổ hoạt động có chất lượng, không có trường hợp nợ xấu, nợ quá hạn.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 453 tổ TK&VV đang hoạt động. Tổng dư nợ của NHCSXH huyện đến ngày 30/9/2022 là trên 570 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với tổng số gần 12.000 khách hàng còn dư nợ (bình quân dư nợ là trên 45 triệu đồng/khách hàng). Doanh số cho vay từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 đạt gần 125 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu là 0,07% trong tổng dư nợ, giảm 0,03% so với cùng kỳ. Cùng với việc thực hiện tốt các khâu bình xét cho vay, đôn đốc hộ vay trả lãi, trả gốc, các tổ TK&VV đã huy động được trên 28 tỷ đồng tiền gửi của các tổ viên.

Bà Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc NHCSXH huyện Đại Từ cho biết: Các tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách, góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến đúng các đối tượng được thụ hưởng, giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục cho người vay, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Đến nay, NHCSXH huyện đã xây dựng được mạng lưới tổ TK&VV tại khắp các xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, NHCSXH huyện luôn tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, đồng thời có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Nhờ đó chất lượng hoạt động của các tổ ngày càng được nâng lên, được đánh giá, xếp loại khá, tốt, không có tổ hoạt động yếu kém.

Thu Huyền