Lau trổ bông trắng muốt bìa rừng dọc con đèo lên miền biên giới, bạt ngàn đồi núi hoang sơ, qua nhiều đợt gió mùa đông bắc càng trở nên quyến rũ. Hạt lìa bông bay thật xa đến tận bờ sông, mé biển. Đôi khi, hạt im lặng trong lớp đất tôn nền, nảy mầm, bám rễ ở vùng ven khu đô thị, tranh thủ nhộn nhịp chỗ đất quy hoạch phân lô, ghé sát hai bên quốc lộ mới thông xe, ghé chỗ trên vòm mái nhà cao tầng lâu ngày không được dọn dẹp.
Là thân cỏ dại mà lá sắc cứng, không cần xới vun, chăm bón vẫn thản nhiên xanh. Qua bão giông, lau biết nương theo luồng mưa tạt để thân không bị vùi dập.
Lau hát lời của gió đón nắng lên xào xạc bản tình ca với chim chích bông rủ nhau nhặt cỏ khô kết tổ uyên ương. Lau chống lại sức dây bìm bìm lan nhanh, bụi xấu hổ nhiều gai ương ngạnh, sống thành từng khóm, dựa vào nhau rồi vươn mình lên đến kịch tầm. Cây già gục xuống đỡ lứa mầm non mới tươi xanh.
Cỏ lau xua đi bao nỗi buồn của mùa Thu một cách lặng lẽ như thế. Thử hỏi, bàn chân nào đi nhiều chẳng mỏi mệt? Có lúc ngại về nhà, thay vì gặm nhấm nỗi buồn và xếp chúng chồng chất trong khoảng đầu chật hẹp thì chúng ta hãy quẳng nó trôi theo tiếng sóng, cất tiếng hát thật to khi có cơ hội ở một mình hoặc khóc thoả như một đứa trẻ vừa làm rơi viên kẹo bảy màu xuống chỗ lội.
Để có sức sống bền bỉ vượt thời gian, cỏ lau đã từ chối hương thơm như những loài cây nở hoa khác, nhẹ nhàng gối những mùa lau, hạt hát lời của gió, an nhiên bay tới chân trời mới. Còn chúng ta, khi biết không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, hãy tìm nơi mới mẻ chăm chút bản thân cho lòng an yên.