Cập nhật: Chủ nhật 16/10/2022 - 09:41
Ông Hoàng Việt Hà (bên phải), Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), chia sẻ với người dân về kinh nghiệm trồng quất cảnh.
Ông Hoàng Việt Hà (bên phải), Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), chia sẻ với người dân về kinh nghiệm trồng quất cảnh.

Tỉnh Thái Nguyên trao cho nông dân chiếc “cần câu” được làm bằng "vật liệu" đặc biệt, gồm: Tiền vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng lao động. Nhờ chiếc “cần câu” này, nhiều nông dân đã chủ động lấy được “cá”, không chỉ đủ ăn, mà trở thành hộ khá giả. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ.

“Có bột mới gột nên hồ”, lời người xưa dạy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là với  bà con nông dân có chí làm giàu, nhưng nếu không có vốn đầu tư thì ý tưởng tốt cũng chỉ dừng lại ở giấc mơ.

Ông Đỗ Văn Minh, xóm Phú, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), cho biết: Năm 2020, nhờ vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi có điều kiện mở rộng vườn đào, quất cảnh. Ngay vụ chợ Tết năm 2022, tôi thu lãi gần 30 triệu đồng

Chuyện vay vốn xóa nghèo, bà Triệu Thị Liên, xóm Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chia sẻ: Gia đình tôi quen việc trồng ngô, cấy lúa, đầu năm 2022, được Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng, hướng dẫn cho kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, tôi sử dụng số tiền này mua 650 con gà giống lai chọi nuôi thả vườn. Hiện, tôi được bán 1 lứa, trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng. Tôi mới nhập chuồng hơn 1.000 con gà lai chọi phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2023.

Còn bà Phạm Thị Quý, xóm Đông Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai), phấn khởi nói: Gia đình tôi đã có 2.000m2 đất chè đang cho thu hoạch. Năm 2022, trồng thêm gần 2.000m2 chè nhờ được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh…

Từ 2.000m2 đất trồng chè, gia đình bà Phạm Thị Quý, xóm Đông Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai), có kinh tế khá giả.

Trong 3 năm gần đây, thông qua 760 tổ liên kết vay vốn, hơn 14.300 hộ nông dân của tỉnh đã vay được 1.637 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Hội nông dân các cấp cũng đã nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho gần 25.000 hộ vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm, với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Quản lý Quỹ đã giải ngân 3,8 tỷ đồng cho 8 dự án phát triển kinh tế, với tổng số 216 hộ tham gia.

Để “con gà đẻ trứng vàng”, Hội chủ động phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tổ chức gần 1.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; hội thảo đầu bờ; kỹ năng đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh cho hơn 50.000 lượt hội viên/năm.

Trong năm 2021, toàn tỉnh có hơn 1.100 nông dân được Nhà nước hỗ trợ học nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Chia sẻ khó khăn với nông dân, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh đã cung ứng khoảng 800 tấn phân bón các loại, 150 tấn thóc giống, các loại cây trồng khác và hàng chục máy nông nghiệp/năm cho bà con theo phương thức trả chậm, với tổng giá trị gần 4,5 tỷ đồng.

Kinh tế gia đình ổn định, bà con nông dân có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia tương trợ, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn. Trong thời gian từ năm 2018 đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia đóng góp được hơn 5,6 tỷ đồng, gần 14.000 ngày công lao động, giúp đỡ hơn 2.000 hộ thoát nghèo.

Riêng trong 9 tháng vừa qua, hội nông dân các cấp đã vận động hội viên đóng góp được 130 triệu đồng, gần 600 ngày công lao động để giúp đỡ hơn 950 gia đình hội viên gặp khó khăn.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực của Hội, nông dân Thái Nguyên đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, hướng đến sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều cảnh nghèo cần hỗ trợ, giúp đỡ, họ mong tiếp tục nhận được chiếc “cần câu” để tự “bắt cá” cho mình.

Phạm Ngọc Chuẩn