Ferrari 296 GTB là cái tên mới nhất trong nhóm siêu xe hybrid tại Việt Nam, được hãng xe Italia mang về Việt Nam từ ngày 14-10. Ngoại hình xe lấy cảm hứng từ mẫu SF90 Stradale cùng mẫu xe cổ điển 250 LM của thập niên 1960. Điểm đặc biệt hơn cả của 296 GTB là hệ truyền động hybrid xăng - điện, cho phép mẫu xe này đạt công suất 830 mã lực.
Nhờ thế, dù tiền trên 20 tỷ đồng cho phép Ferrari 296 GTB cạnh tranh với McLaren 720S hay Lamborghini Huracan ở thị trường Việt Nam, nhưng về công nghệ, việc sở hữu hệ truyền động hybrid đồng nghĩa 296 GTB có 2 đối thủ là McLaren Artura hay Ferrari SF90 Stradale.
Về phần mình, siêu xe McLaren Artura trước đó cũng vừa có màn trình làng sôi động ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Xe thừa hưởng cấu trúc sợi carbon trọng lượng siêu nhẹ (McLaren Carbon Lightweight Architecture - MCLA), tối ưu hóa cho thế hệ động cơ mới của dòng xe hybrid hiệu suất cao (HPH).
Việc tinh giảm hệ thống động cơ điện và dây dẫn nhỏ gọn giúp Artura có khối lượng khô tối thiểu chỉ 1,395kg. Tổng khối lượng của hệ thống động cơ hybrid chỉ nặng khoảng 130kg (bao gồm bộ pin điện 88kg và động cơ điện 15,4kg), giúp tổng khối lượng ướt của xe đạt mức 1,498kg.
Trái tim của Artura là khối động cơ V6 tăng áp kép dung tích 3.0L (585 mã lực và mô men xoắn 585 Nm). Kết hợp nhịp nhàng cùng động cơ đốt trong này là động cơ điện cỡ nhỏ nằm bên trong khoang hộp số, có khả năng sản sinh sức mạnh 95 mã lực và mô men xoắn 225 Nm.
Artura tăng tốc từ 0 lên 100km/giờ chỉ trong 3 giây, trước khi đạt tốc độ tối đa tới 330km/giờ.
Nhờ thế, McLaren Artura có công suất tối đa lên đến 680 mã lực và mô-men xoắn cực đại 720 Nm. Khả năng sinh lực kéo tức thời của động cơ điện giúp cho Artura tăng tốc từ 0 lên 100km/h chỉ trong 3 giây, từ 0 lên 200km/giờ chỉ trong 8,3 giây và 0 - 300km/giờ trong 21,5 giây.
Sự xuất hiện của Ferrari 296 GTB và McLaren Artura nối dài trào lưu điện hóa siêu xe tại Việt Nam. Trước đó ít lâu, Ferrari cũng đã có SF90 Stradale tại thị trường Việt Nam, với giá niêm yết lên tới hơn 34 tỷ đồng.
Cơ chế hybrid cho phép SF90 Stradale vận hành ở 4 chế độ, gồm eDrive - chỉ dùng động cơ điện, Hybrid - kết hợp 2 loại động cơ nhưng máy tính sẽ ngắt hoạt động của máy xăng khi không cần thiết, Performance - chỉ sử dụng động cơ xăng V8. Còn lại là Qualify - vận hành cùng lúc động cơ xăng và điện để đạt hiệu suất tối đa.
Ferrari SF90 Stradale xuất hiện tại một sự kiện ở Việt Nam năm 2021.
Theo giới chuyên môn, công nghệ hybrid trên các dòng siêu xe đang dần trở thành tất yếu, vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết, những quy định ngặt nghèo về khí thải buộc các mẫu xe với động cơ “khủng” phải có phương án cắt giảm phát thải nếu muốn có mặt ở các thị trường phát triển. Sự xuất hiện của mô tơ điện giúp siêu xe không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, giảm lượng CO2 xả ra môi trường mà còn giải quyết trọn vẹn bài toán ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị.
Thứ đến, việc bổ sung hệ truyền động điện giúp việc cầm lái ở tốc độ chậm trở nên dễ chịu và an toàn hơn, trong khi lợi thế tốc độ là thấy rõ. Đơn cử, ở ngưỡng hiệu năng kết hợp tối đa (986 mã lực), khả năng tăng tốc 0-100km/giờ của Ferrari SF90 Stradale có thể chỉ ở mức 2,5 giây, 0-200km/h trong 6,7 giây, tốc độ tối đa 340km/giờ. Đây là mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung siêu xe sử dụng động cơ xăng V8 với cùng kích thước, trọng lượng.
Với những lý do trên, tới nay, hầu hết các hãng siêu xe đều có các giải pháp điện hóa, kể cả những nhà sản xuất từng tuyên bố trung thành với động cơ đốt trong. Dĩ nhiên, việc sản xuất siêu xe với hệ truyền động “xanh” cũng có nhiều thách thức, đặc biệt là làm thế nào duy trì trọng lượng thấp, hay giữ được nét cá tính truyền thống của mỗi mẫu xe.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm và bề dày năng lực đã đúc kết qua nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất đều đang nỗ lực hết sức mình và đã bước đầu đạt nhiều thành tựu.