Nói về hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ông Hà Văn An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty CP Nam Việt (phường Phố Cò), phấn khởi: Tính đến hết tháng 9/2022, doanh thu của đơn vị đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng trên 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền để đưa Nhà máy Pilmico tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) vào hoạt động, với mức đầu tư trên 500 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 8.300 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt 4.933 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để có được kết quả này, thời gian qua, TP. Sông Công đã tập trung đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để các DN hoạt động, duy trì ổn định sản xuất. Vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, thành phố tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 30 DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, cơ quan chức năng của thành phố hướng dẫn các đơn vị kịp thời triển khai, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các đợt tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động đang cư trú, làm việc tại các DN trên địa bàn.
Về phía DN, các đơn vị cũng đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, từ đó linh hoạt, nhanh nhạy thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, thích ứng với khó khăn và thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Cơ khí chính xác Minh Hà (thuộc phường Cải Đan), nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường kết nối với các khách hàng tiềm năng, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị khá ổn định; giải quyết việc làm cho trên 40 lao động địa phương. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có mặt tại các thị trường Nhật Bản, Thụy Sĩ, Italia.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, TP. Sông Công quan tâm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ gia đình. Các tổ chức tín dụng cũng chú trọng tăng trưởng, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, áp dụng chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Để DN hoạt động thuận lợi, các thủ tục hành chính liên quan được TP. Sông Công cập nhật, bổ sung kịp thời; niêm yết công khai, đầy đủ, phục vụ tổ chức, cá nhân...
Thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ. Từ đầu năm 2022 đến nay, bức tranh công nghiệp của TP. Sông Công cũng thêm khởi sắc khi thu hút được 5 dự án đầu tư mới tại Khu Công nghiệp Sông Công I và Khu Công nghiệp Sông Công II, với số vốn đăng ký 217 tỷ đồng và 30 triệu USD; trên 30 DN được thành lập mới.
Với mục tiêu đến hết năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.000 tỷ đồng, TP. Sông Công đang tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm các cung cầu và kiểm soát giá cả hàng hóa cơ bản, thiết yếu; hỗ trợ DN giảm thời gian, chi phí, đẩy mạnh số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...