Cập nhật: Thứ ba 25/10/2022 - 16:05
Đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên tham luận tại Hội thảo.
Đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên tham luận tại Hội thảo.

Tháng 10 năm 1947, tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh X.Y.Z. đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” làm tài liệu cho tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng. 75 năm đã trôi qua, song những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, nhất là vấn đề tu dưỡng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Việc Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm quan trọng này là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Đây còn là dịp để khẳng định giá trị bền vững và tính thời sự của tác phẩm, nhằm tiếp tục lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Phải khẳng định rằng, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên của Bác trong điều kiện Đảng cầm quyền, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm được coi là cuốn cẩm nang, kim chỉ nam hành động của Đảng và dân tộc trong công tác xây dựng Đảng.

Với tác phẩm này, Bác đã trang bị cho cán bộ, đảng viên và toàn Đảng những thước đo, chuẩn mực đạo đức để rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, khả năng tập hợp, thu hút, dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng.

Tác phẩm gồm 6 phần lớn, đề cập việc sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm sửa chữa các khuyết điểm, phát huy các ưu điểm.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: M.H

Tác phẩm đặt ra những vấn đề mang tính cốt lõi như: “Sửa đổi lối làm việc” để giữ vững tư cách của Đảng chân chính cách mạng; chỉ rõ trách nhiệm, tư cách, yêu cầu phận sự của người đảng viên; công tác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên; công tác huấn luyện cán bộ; nội dung, phương pháp, phong cách và các kỹ năng lãnh đạo. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm là các dự báo, đánh giá và giải pháp sáng suốt của Người; mặt khác, cũng là những cơ sở về phương pháp luận trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.

Hội thảo lần này ghi nhận nhiều ý kiến tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó có tham luận của đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Hoàng Anh Trung. Tham luận nêu rõ: Về giá trị lý luận, tác phẩm thể hiện những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những nguyên tắc trong xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức; công tác cán bộ; về đạo đức cách mạng, tư cách của cán bộ, đảng viên; về phương thức, phong cách lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa tổ chức cá nhân với cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.

Về giá trị thực tiễn, tham luận khẳng định: Đây là cuốn cẩm nang rất thiết thực, bổ ích trong giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng nhằm giúp mỗi người nhận thức được những chuẩn mực, chỉ cho mỗi người thấy những “bệnh” hay mắc phải và giúp họ biết các giải pháp khắc phục để trở thành người cách mạng chân chính.

Để làm rõ việc vận dụng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng giai đoạn hiện nay, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, tham luận của đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên đúc kết: Kết quả to lớn trong xây dựng Phổ Yên như ngày hôm nay xuất phát từ sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư duy đổi mới phương thức lãnh đạo khoa học của Đảng, mà trong đó Bác Hồ đã đề cập rất cụ thể tại phần V của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, đó là “Cách mạng lãnh đạo”.

Theo Bác “lãnh đạo đúng là: Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng; phải tổ chức thi hành cho đúng; phải kiểm soát thi hành cho đúng”. Do đó, quá trình triển khai lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại TP. Phổ Yên trong những năm gần đây luôn được chỉnh sửa, đảm bảo bám sát các quy định, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ.

Trong 30 tham luận, có khá nhiều ý kiến tập trung làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và sự vận dụng của tỉnh Thái Nguyên trong công tác cán bộ hiện nay. Rõ nét nhất là tham luận của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ.

Đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham luận về việc vận dụng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.

Tham luận chỉ rõ, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn xác định công tác cán bộ có tính chất đặc biệt quan trọng, cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Sau mỗi kỳ đại hội, thực hiện quan điểm chỉ đạo, nghị quyết quy định hướng dẫn của Trung ương hệ thống các văn bản chỉ đạo về công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Trình độ, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng được nâng lên; số lượng cán bộ được tăng cường, chất lượng được nâng cao, cơ cấu ngày càng hợp lý hơn. Đảng bộ tỉnh luôn coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong mọi hoạt động, là nguyên nhân thành bại của mọi việc. Trong từng giai đoạn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn trú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý, đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ là những người đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, vô tư trong sáng…

75 năm trước, với nhãn quan chính trị - văn hóa thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất sâu sắc về “các căn bệnh”  và chỉ ra biện pháp cụ thể mà từ mỗi cán bộ đảng viên tới toàn đảng cần phải khắc phục sửa chữa.

Hội thảo khoa học về tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” do Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức đã khép lại, nhưng nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự cũng chính là những vấn đề mà mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay không thể xem nhẹ, đó là tự phê bình và phê bình, là công tác cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Bởi thế, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta cần tiếp tục đưa tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác trở thành tài liệu học tập, nghiên cứu, tuyên truyền thực hiện trong toàn Đảng, toàn dân.

Xuân Anh