Đến cánh đồng rau xóm Náng, chúng tôi bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp người thu hái, người tưới nước, làm đất... Bên vườn rau vừa mới được lên luống, vợ chồng ông Nguyễn Văn Khương đang nhanh tay gieo hạt giống cà rốt. Trò chuyện với chúng tôi, ông Khương chia sẻ: Trồng cà rốt phải sau 3 tháng mới được thu hoạch nên nhà tôi tranh thủ dặm rau xà lách ở 2 bên luống để tận dụng diện tích. Trung bình 1 sào cà rốt, chúng tôi có thể thu 15-20 triệu đồng. Làm rau mặc dù vất vả nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so trồng lúa.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu như trước đây, bà con xóm Náng chỉ trồng rau theo thói quen, kinh nghiệm thì từ khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình Minh (năm 2020), các thành viên đã được tham gia nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, bà con cũng cam kết tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về quá trình trồng, từ khâu làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật vi sinh đến nguồn nước tưới đảm bảo tiêu chuẩn.
Với diện tích sản xuất 10ha, để luân canh, gối vụ, rải vụ, tránh việc thu hoạch cùng một loại rau với sản lượng quá nhiều ở một thời điểm, hằng năm, HTX Bình Minh đều có sự bàn bạc, lên kế hoạch cho bà con gieo trồng gần 20 chủng loại rau khác nhau, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. HTX cũng đã đầu tư 2.500m2 nhà lưới để sản xuất rau an toàn, hạn chế phần nào những tác động bất lợi từ thời tiết cực đoan và sâu bệnh gây hại.
Nhằm khuyến khích bà con ở vựa rau xóm Náng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn trong tỉnh cũng phối hợp với HTX Bình Minh triển khai thí điểm trồng các loại rau ăn lá, củ, quả và thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ… để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử, tháng 8/2022, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên đã hỗ trợ giống, phân bón để khuyến khích bà con trồng bắp cải sớm và bán đầu vụ đông, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với thời điểm chính vụ. Đối với Trung tâm Khuyến nông, từ tháng 3/2022, đơn vị cũng đã triển khai mô hình trồng cà chua ghép trái vụ tại xóm Náng.
Riêng Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên, ngoài hỗ trợ tập huấn chuyên môn, chứng nhận VietGAP, đơn vị còn tiến hành xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm của bà con; tổ chức liên kết, cung ứng nông sản an toàn của người dân cho các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn.
Với sự năng động, chịu khó của người dân xóm Náng, cộng với sự chung tay của các ngành chức năng, sản phẩm rau của HTX Bình Minh đã từng bước “vươn” ra thị trường. Nếu như trước đây, rau của bà con chủ yếu được bán ở các chợ truyền thống thì nay đã có mặt tại nhiều bếp ăn tập thể, siêu thị.
Hiện, HTX Bình Minh đã được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định tại gần 40 trường học trên địa bàn huyện Phú Bình và TP. Thái Nguyên với sản lượng từ 0,5-1 tấn/ngày, tùy từng thời điểm. Ngoài ra, HTX xã còn cung cấp rau, củ, quả cho một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc, rau, củ, quả của HTX Bình Minh được nhiều khách hàng tin tưởng, sử dụng, giá bán sản phẩm tăng từ 20-30%, thu nhập của bà con cũng tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh chia sẻ: Thời gian tới, chúng tôi dự định xây dựng một khu trồng rau cho học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm. Đây cũng sẽ là nơi để HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng.