Những tháng gần đây, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Bí thư Chi bộ tổ dân phố (TDP) 1 thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) cùng 4 thành viên Tổ CNSCĐ khác dành nhiều thời gian đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số (CĐS).
Các thành viên Tổ CNSCĐ TDP 1 hướng dẫn người dân tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia các sàn thương mại điện tử…
Bà Thủy chia sẻ: TDP 1 có 170 hộ với trên 700 khẩu. Đến nay, hầu hết các hộ đã được tuyên truyền về CĐS, gần 100% đảng viên Chi bộ và đảng viên thường trú đang công tác đã cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử; trên 50% số dân sử dụng một trong các ứng dụng CĐS…
Từ đầu năm 2022, huyện Võ Nhai đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo thành lập tổ CNSCĐ ở toàn bộ 153 xóm, TDP trực thuộc 15 xã, thị trấn. Đây là "cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương trong CĐS với nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến CĐS; hướng dẫn người dân tiếp cận với các dịch vụ, nền tảng số.
Bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Nhai, chia sẻ: Qua hơn 4 tháng triển khai, toàn huyện đã thành lập được 154 tổ CNSCĐ/153 xóm, TDP (riêng xã Liên Minh thành lập thêm Tổ CNSCĐ của UBND xã) với 952 thành viên. UBND huyện và các cấp, ngành, đơn vị đã tổ chức 6 lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ triển khai hoạt động của tổ CNSCĐ với trên 1,5 nghìn lượt người tham gia. Cùng với đó, các ngành, đơn vị cũng chủ động triển khai các nội dung hỗ trợ tổ CNSCĐ, như: Hướng dẫn triển khai ví điện tử; triển khai QR code thanh toán điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Trên cơ sở đó, các tổ CNSCĐ đã triển khai tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác CĐS tại các buổi sinh hoạt xóm, TDP và tuyên truyền trực tiếp tới hộ dân; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí, viện phí, hóa đơn điện, nước; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử… Qua đó thiết thực đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với hàng chục nghìn người dân vùng cao.
Cụ thể, tính đến nay, đã có gần 1,8 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện được tập huấn về kỹ năng số; gần 2,4 nghìn hộ được khởi tạo tài khoản gian hàng trên sàn thương mại điện tử; trên 1,8 nghìn hộ có tài khoản thanh toán điện tử; 53/64 trường học đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nộp học phí và các khoản thu khác… Toàn huyện đã có gần 2,6 nghìn tài khoản cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen, gần 2,2 nghìn tài khoản cài đặt ứng dụng ThaiNguyen ID.
Tính đến hết tháng 9-2022, huyện Võ Nhai đã trao đổi trên 19 nghìn văn bản điện tử qua môi trường mạng; cấp huyện đã tiếp nhận trên 1,1 nghìn hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 59%; cấp xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết trên 3,5 nghìn hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ gần 8%...
Theo kế hoạch CĐS, huyện Võ Nhai phấn đấu đến hết năm 2025 có trên 80% tổng số hồ sơ công việc cấp huyện; trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm trên 20% GRDP; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%...