Cập nhật: Thứ ba 12/08/2008 - 14:03

18 năm sống trong cô đơn, 18 năm sống nhờ vào những tấm lòng nhân ái để gồng mình chống đỡ với bệnh tật ... Đó là hoàn cảnh của bác Nông Văn Giai ở thôn Đồng Mòn, xã Đồng Thịnh (Định Hoá) mà chúng tôi biết trong một chuyến công tác gần đây.

 

Trong căn nhà lá vách đất, giọng bác trầm xuống khi tâm sự với chúng tôi về cuộc đời của mình: “Vì gia cảnh nghèo lại đông anh, chị em nên mặc dù học giỏi nhưng tôi cũng phải nghỉ học ở nhà làm ruộng phụ giúp bố mẹ. Lớn lên lấy vợ, sinh con rồi tham gia nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 1, C1, Lữ đoàn 243 Gang Thép (Thái Nguyên). Hết nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương năm 1981 cùng vợ làm ruộng, xây dựng cuộc sống gia đình và sinh được một cô con gái. Cuộc sống của vợ chồng trẻ cùng 2 đứa con thơ cứ vậy trôi đi một cách bình lặng trong mái tranh nghèo. Nhưng, khi cô con gái thứ 2 được tròn 1 tuổi thì cũng là lúc triệu trứng đau cột sống (được phát hiện từ khi ở trong quân ngũ) lại bắt đầu hành hạ. Tôi lên bệnh viện huyện khám được các bác sỹ chuẩn đoán bị bệnh về xương, muốn chữa khỏi thì phải đưa về bệnh viện lớn Hà Nội. Mặc dù muốn chữa trị nhưng vì nhà nghèo nên tôi đã cố nén đau trước bệnh tật. Nhiều khi, trong những cơn đau đến tái mặt chỉ có người mẹ già chăm sóc, tôi thèm khát một vòng tay nâng đỡ của vợ, thèm tình cảm và cả tiếng gọi “bố ơi! bố có đau lắm không?” của hai đứa con... nhưng đâu có được!. Bởi, vợ và con tôi đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống đã 18 năm nay”.

 

Tay run run nhấc vạt áo lau giọt nước mắt trên khoé mắt, bác Giai tiếp tục câu chuyện của đời mình: “Vật lộn với những cơn đau cho đến năm 1990 thì cả phần đầu đã bị gập xuống hoàn toàn. Ban đầu, tôi sinh hoạt rất khó khăn nên phải nhờ em gái và các cháu sống cạnh nhà qua lại giúp đỡ. Tôi biết ơn những nắm rau, con cá, miếng thịt...của những con người tốt bụng sống xung quanh đem cho!”.

 

 Lấy sức bật, mồ hôi vã ra bác mới nhấc thân mình lên khỏi mặt đất, trống gậy đếm từng đồ đạc có ở trong nhà rồi nói với chúng tôi: “Chiếc giường em trai đóng cho, chiếc chăn bông Mặt trận Tổ quốc xã tặng, hai chiếc nồi và mấy cái bát ăn cơm bố mẹ cho khi ra ở riêng”. Lật chiếc hòm gỗ đã cũ, bác lấy ra một bộ quần áo đã sờn vai, rách gối đưa tay xê đi xê lại “đây là bộ quần áo tôi mặc trong ngày cưới đấy. Tuy không mặc được nữa nhưng nó là vật kỷ niệm duy nhất với vợ còn sót lại. Lúc nào tôi cũng mơ ước trong mái tranh nghèo có vợ và có con”. Để xua đi cái khoảng lặng của bác, chúng tôi cất giọng hỏi khi đến bên chiếc chum đựng gạo:

 

Ai đi mua gạo, mua thức ăn cho bác?

 

À! Gạo không phải mua vì tôi có 3 sào ruộng cho em trai làm, mỗi vụ vợ chồng chúng xay sát đem sang cho 1 tạ. Còn thức ăn thì mấy khi có tiền mà mua đâu chị, chủ yếu là cơm rau thôi. Chỉ từ khi được hưởng tiền trợ cấp chính sách xã hội của Nhà nước từ năm 1993 thì một tháng tôi cũng được ba, bốn bữa thịt...

 

Câu chuyện cứ vậy trôi đi cho đến khi bác Giai bấm bụng đến giờ nấu cơm tối. “Này, hôm nay các cô ở đây ăn cơm với tôi nhé. Cơm không có thịt đâu chỉ có rau mồng tơi thôi”. Nói đoạn bác nghiêng người sang trái thẳng hướng ra chum gạo đặt cơm tối. Những động tác thuần thục và gọn gàng của bác khi nấu cơm khiến cho chúng tôi vô cùng cảm phục. Nhìn bác oằn người ngồi lên chiếc ghế con, nhóm lửa nấu cơm. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

 

“Tôi chỉ mong có được cuộc sống bình thường như bao người! Có vợ và có con. Nhiều khi nghe thấy tiếng gọi anh ơi!, bố ơi! của hàng xóm gọi nhau tôi thèm quá. Cuộc đời này tôi chỉ mơ ước mình được đáp lại câu gọi đó, cho dù chỉ là một lần trong đời...”. Chúng tôi cầu chúc cho mong ước, khát vọng sống của bác- một con người đã 18 năm sống leo lắt trong ngôi nhà tranh chờ vợ, chờ con trở về sẽ thành hiện thực.

Trần Nhung