Bến cảng Đại Phùng
TNĐT- Bến cảng Đại Phùng thuộc xã Đông Cao huyện Phổ Yên ngày nay. Đại Phùng có nghĩa là sự gặp gỡ lớn, có lẽ chính vì thế mà bến cảng này trở thành điểm giao lưu kinh tế sầm uất của Thái Nguyên thời xưa
Dòng sông Cầu chảy qua địa phận Thái Nguyên đã hình thành một số trạm giao lưu hàng hóa trên sông: Bến Tuần, Đồng Mỗ thuộc thành phố Thái Nguyên ngày nay, phía hạ lưu sông có bến Hanh thuộc Phú Bình ngày nay, đặc biệt là bến cảng Đại Phùng thuộc huyện Phổ Yên. Trên dòng sông Cầu ở địa phận xã Đông Cao từ xa xưa đã hình thành làng bên sông đông đúc, nơi đây có bến cảng nên đã hình thành chợ phiên để giao lưu hàng hóa. Trước năm 1945, bến cảng Đại Phùng (còn gọi là bến sông Chã) thuyền bè qua lại tấp nập. Vào các ngày chợ phiên có nhiều thuyền lớn chở muối, mắm, vôi, đồ gốm sứ từ Phả Lại, Bắc Ninh lên bán, khi về lại chở đặc sản của Thái Nguyên như chè Tân Cương, bưởi Nga My, quýt Hà Châu xuôi về các ngả…Bởi thế người nơi đây còn có tên là Trà Thị - chợ Chè
Từ năm 1898 địa chủ người pháp là GuyômPie đến chiếm đất của nông dân Phổ Yên, chúng lập đồn điền tại bến sông này để bóc lột nhân dân và tiện giao lưu hàng hóa. Tuy nhiên chợ Chã vẫn được họp thường xuyên một tháng 6 phiên.
Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, chợ Chã phải sơ tán nên số người buôn bán ít đi nhưng sau ngày hòa bình lập lại, chợ Chã lại trở về ngay trên nền đồn điền cũ và từng bước được xây dựng. Ngày nay giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ Chã vẫn đông vui và trở thành trung tâm giao lưu kinh tế của vùng Đông Nam huyện Phổ Yên.