Căng Bá Vân, di tích lịch sử bên dòng sông Công huyền thoại

Cập nhật: Thứ ba 28/10/2008 - 15:22

TNĐT- Đến Thái Nguyên du khách sẽ đi qua thị xã trẻ Sông Công, mảnh đất căng tràn sức sống ở tuổi đôi mươi đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Ít người biết rằng trong thị xã trẻ ấy có một địa danh từng ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đó là Căng Bá Vân.

Căng Bá Vân thuộc xã Bình Sơn, Thị xã Sông Công, tháng 6/1940 thực dân Pháp lập Căng Bá Vân để giam giữ những người cộng sản. Địa điểm lập căng Bá Vâ là nơi hẻo lánh thuộc làng Bá Vân, giao thông khó khăn, dân cư thưa thớt, ngăn cách bên ngoài bởi dòng sông Công. Thực dân Pháp cho xây dựng hai Căng gồm hai nhà giam xung quanh có tường rào chắc chắn, bốn góc hai nhà giam có 4 vọng gác canh giữ, liền nhà giam là nhà của cai ngục và lính, có một vọng gác riêng cho cai ngục. Trại lợn trại gà và bãi sân khấu của nhà từ được bố trí ở xung quanh phía ngoài hai nhà giam.

 

Tháng 4/1941, hơn 200 người đa số là chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước chống lại thực dân Pháp bị giam ở Căng Bắc Mê và nhiều tỉnh được đưa về giam giữ tại Căng Bá Vân. Tại đây, chi bộ Căng đã được thành lập gồm 8 đảng viên, các đảng viên đã biến nơi giam giữ thành trường học, tổ chức học tập chính trị, quân sự, biểu diễn văn nghệ chăm lo cải thiện đời sống, tuyên truyền giác ngộ binh lính và nhân dân địa phương. Tại Căng tờ  báo “dòng Sông Công” đã ra đời phản ánh sinh hoạt nội bộ, bàn luận tình hình trong nước, thế giới.

 

Tháng 7/1944, chi bộ trong Căng bí mật họp bàn thực hiện nghị quyết của Xứ ủy Bắc kỳ trong đó có việc rút một số đồng chí ra khỏi Căng bổ sung cho phong trào cách mạng bên ngoài. Ngày 21/8/1944, 8 đảng viên đã vượt Căng an toàn về với phong trào cách mạng trong cả nước. Tháng 10/1944 thực dân Pháp giải tán Căng Bá Vân chuyển số tù còn lại về nhà tù Sơn La và nhà tù Nghĩa Lộ.

 

Tồn tại trong khoảng thời gian không dài (từ 1940 đến 1944), nhưng Căng Bá Vân đã để lại dấu ấn quan tọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của  tỉnh Thái Nguyên và của cả nước

 

Địa điểm Căng Bá Vân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Tại đây một nhà truyền thống mang tên Căng Bá Vân đã được xây dựng trưng bày những tư liệu về lịch sử đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.

TNĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: