Phố kháng chiến Phúc Trìu
TNĐT- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các cơ quan, đơn vị bộ đội của ta rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu. Nhiều khu phố kháng chiến mọc lên là "cửa khẩu" trao đổi hàng hóa giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm, trở thành những địa danh nổi tiếng trong cả nước. Phố Phúc Trìu ở Thái Nguyên là một trong những phố kháng chiến như thế.
Ở gần thị xã Thái Nguyên, phố Phúc Trìu mọc lên như một đô thị kháng chiến sầm uất sánh ngang với Cây Đa Nước Chảy (Tuyên Quang), Văn Mịch (Lạng Sơn). Xung quanh phố là các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên, Trường cấp III Ngô Quyền, tòa soạn báo Vui Sống, trường Lục quân, các bệnh viện, các cơ quan của Trung ương, các đơn vị bộ đội…
Cho đến tận bây giờ những cái tên đất xung quanh Phúc Trìu như quán Ba Trăm (vì quán cách một đơn vị quân đội 300m), dốc Vui Sống (dốc gần tòa soạn Báo Vui Sống), đồi Cơ giới (đồi có xưởng cơ giới) hình thành thời kháng vẫn được lưu giữ và trở thành niềm tự hào của người dân Phúc Trìu.
Phố Phúc Trìu thời kháng chiến đông vui, các quán ăn uống, hàng tạp hóa, hiệu thuốc, hiệu ảnh mọc lên san sát, phục vụ nhu cầu của bộ đội, cán bộ, học sinh, đồng bào tản cư. Ban đêm (thời kỳ máy bay Pháp chưa đến) phố Phúc Trìu lung linh bởi nhiều ngọn đèn măng - xông thắp sáng trưng, phố nhộn nhịp bước chân người
Từ phố Phúc Trìu có đường dây buôn bán về vùng tạm chiếm, có hàng hóa sản xuất trong kháng chiến, có các sản vật của địa phương nên cảnh buôn bán ngày nào cũng tấp nập. Chính cảnh buôn bán này đã được nhà văn Nam Cao nhắc đến với hình ảnh cô hàng xén trong nhật ký nổi tiếng "Ở rừng".
Thời kháng chiến chống Mỹ, phố Phúc Trìu vẫn là trung tâm buôn bán với nhiều cửa hàng mậu dịch, và các hàng quán đông đúc. Ngày nay, vùng đất xung quanh Phúc Trìu sôi động, sầm uất trở thành một vùng quê trù phú yên ả. Nhưng ai đã từng gắn bó với chiến khu thì bóng dáng phố Phúc Trìu đông vui tấp nập một thời vẫn in đậm.