Nhìn thẳng vào thực tế để đổi mới và tinh gọn: Bài 2- Phân biệt tiêu chuẩn công chức: "Ngáng" luân chuyển cán bộ

Cập nhật: Thứ ba 11/04/2017 - 09:53
 Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên trái), Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Định Hóa triển khai công việc chuyên môn.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên trái), Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Định Hóa triển khai công việc chuyên môn.

Luân chuyển (LC) cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Qua LC, cán bộ được rèn luyện, thử thách và bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch. Thời gian qua, chủ trương này đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc LC cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện đang bị “ngáng” bởi quy định tiêu chí công chức, khiến các địa phương trầy trật, thậm chí “bó tay”.

Vướng LC từ cấp xã lên cấp huyện

 

Đồng chí Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ: LC cán bộ từ xã lên huyện rất “vướng” do phải điều động biên chế, chỉ thực hiện được khi huyện “rỗng” biên chế hoặc chuyển công chức cấp xã lên đơn vị sự nghiệp của huyện (làm viên chức). Có trường hợp là lãnh đạo chủ chốt ở xã, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chuyên môn, năng lực nhưng khi LC lên huyện phải quy hoạch lại từ đầu (giống như tuyển công chức mới).

Định Hóa là địa phương thực hiện công tác LC cán bộ khá tốt. Nhiệm kỳ 2010-2015 có 5 cán bộ huyện được LC về giữ các chức danh lãnh đạo xã; 1 lãnh đạo xã LC lên huyện; 15 người khác LC giữa các phòng, ban và khối đoàn thể. Theo đánh giá của Huyện uỷ Định Hoá thì những cán bộ này đều có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với điều kiện và vị trí công tác mới. Tuy vậy, việc thực hiện chủ trương LC cán bộ cấp xã lên huyện ở Định Hóa gặp không ít khó khăn. Đồng chí Đàm Tiến Niên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa phân tích: Khó nhất hiện nay là tiêu chí công chức cấp xã và cấp huyện khác nhau. Định Hóa là huyện miền núi nên nhiều người không được đào tạo cơ bản, nhất là những cán bộ đã lớn tuổi. Đội ngũ công chức xã mới tuyển có trình độ chuyên môn khá tốt nhưng lại chưa được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Do đó, việc tìm cán bộ là lãnh đạo, quản lý cấp xã đủ tiêu chuẩn LC lên huyện không hề dễ. 

 

Người duy nhất ở xã được LC lên huyện ở Định Hóa nhiệm kỳ qua là đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường chia sẻ: Tôi là cán bộ trưởng thành từ cơ sở (công tác tại thị trấn Chợ Chu), đã có bằng thạc sĩ, nhưng khi mới được LC (từ Chủ tịch UBND thị trấn) lên huyện, tôi cũng gặp không ít lúng túng và bỡ ngỡ trong công việc, vì yêu cầu về chuyên môn và tầm bao quát cao hơn nhiều. Tôi đã phải tranh thủ thời gian, kể cả ngày nghỉ để đọc rất nhiều tài liệu, nỗ lực trau dồi kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn.

 

Cán bộ cấp xã được xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau: 1- Cơ quan sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu ngạch công chức phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng. 2- Có đủ các tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm. 3- Có thời gian làm cán bộ, công chức cấp xã từ đủ 60 tháng trở lên. 4. Có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. 5. Không trong thời gian xem xét kỷ luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự… (trích Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức)

Công tác LC cán bộ tại huyện Võ Nhai cũng gặp vướng mắc tương tự. Cả nhiệm kỳ qua, toàn huyện có 3 cán bộ được LC xuống các xã và 2 cán bộ LC từ xã lên huyện; LC giữa các phòng, ban, đoàn thể là 9 người, từ xã này sang xã kia là 2 người. Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định LC 3 cán bộ huyện xuống giữ chức danh chủ chốt tại 3 xã, nhưng không đặt chỉ tiêu LC cán bộ từ xã lên huyện trong cả nhiệm kỳ. Đồng chí Vũ Thị Huệ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Võ Nhai cho rằng, trở ngại đáng kể nhất đối với công tác LC cán bộ, nhất là từ xã lên huyện là tiêu chí công chức của 2 cấp khác nhau. Mặt khác, cán bộ huyện được LC xuống xã vẫn giữ nguyên suất lương ở huyện, tạo ra một khoảng trống nhân sự, trong khi các địa phương tiếp nhận phải sắp xếp lại bộ máy để có chỗ cho người mới đến.

 

Liên thông để phá “rào”

 

Từ năm 2011 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã LC 65 lượt cán bộ, trong đó có 6 cán bộ LC từ xã lên huyện. Các chế độ, chính sách đối với những cán bộ này được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số cán bộ LC, chúng tôi nhận được nhiều tâm tư. Đó là, còn có cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu của công tác LC, dẫn đến biểu hiện cục bộ, không muốn nhận người nơi khác về. Điều này phần nào gây khó khăn cho việc điều hành công việc của người mới đến. Nhiều cán bộ còn kiến nghị Huyện ủy cần sắp xếp, bố trí công việc phù hợp khi họ quay về. Đồng chí Đào Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến là người được LC từ Trung tâm Dạy nghề huyện về xã từ năm 2015 bày tỏ: Tôi mong muốn khi trở về sẽ được sắp xếp công việc, vị trí phù hợp với năng lực của mình.

 

Nói về những bất cập đang tồn tại ở địa phương trong thực hiện công tác này, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay, cán bộ LC từ tỉnh về huyện thì thụ hưởng biên chế cấp huyện, nhưng cán bộ huyện xuống cấp xã thì không điều chuyển biên chế, vì nếu để số cán bộ này thụ hưởng biên chế cấp xã khi trở về huyện sẽ phải xét tuyển lại. Do vậy, việc giao biên chế cho cấp huyện để liên thông LC cán bộ là rất cần thiết. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý tổ chức, quản lý cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc LC cán bộ từ huyện xuống cơ sở và ngược lại. Không nên quy định riêng về tiêu chí công chức cấp xã và cấp huyện như hiện nay.

 

Ở các địa phương khác của tỉnh, như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên việc LC cán bộ xuống cấp xã và ngược lại cũng phải để “trống” vị trí để chờ cán bộ quay trở lại và gặp những khó khăn tương tự. Có chăng thuận lợi hơn là do nguồn thu của các địa phương này lớn nên cân đối để tuyển thêm nhân viên hợp đồng bổ sung cho các đơn vị thiếu người làm do LC.

 

Về vấn đề LC, ông Lê Quang Trung, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: Theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về “Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức” thì công chức cấp xã khó đủ điều kiện về tuổi, trình độ, năm công tác để trở thành công chức cấp huyện. Điều đó khiến việc LC cán bộ từ xã lên huyện của tỉnh thời gian qua hầu như không thực hiện được.

 

Vậy là, giải pháp mạnh mẽ để gạt chiếc ba-ri-e “ngáng” LC cán bộ là “xóa nhòa” ranh giới giữa công chức cấp xã và huyện. Nên quy định chỉ có một hạng công chức, tiêu chuẩn đầu vào của công chức xã và huyện như nhau; phân bổ biên chế cho cấp huyện cùng với công tác quy hoạch cán bộ bài bản, “dài hơi” đảm bảo hợp lý. Làm được điều này sẽ triệt tiêu tình trạng cán bộ LC gây xáo trộn về bộ máy, phá vỡ quy hoạch cán bộ của địa phương hoặc lúng túng trong xử lý khoảng trống về nhân sự và biên chế. Trong điều kiện các văn bản quy định của Trung ương chưa kịp sửa đổi thì tỉnh nên vận dụng hợp lý về đào tạo, bố trí cán bộ, đặc biệt là việc LC cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

 

(Còn nữa)

Nhóm P.V Xây dựng Đảng - Nội chính
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: