Nhìn thẳng vào thực tế để đổi mới và tinh gọn: Bài 5 - Đã đến lúc sắp xếp lại tổ chức Đảng trực thuộc

Cập nhật: Thứ sáu 14/04/2017 - 17:20
 Giảng viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) ứng dụng chế biến thực phẩm công nghệ cao.
Giảng viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên) ứng dụng chế biến thực phẩm công nghệ cao.

Hiện nay, Tỉnh ủy Thái Nguyên có 19 đảng bộ (ĐB) trực thuộc, gồm 9 ĐB cấp huyện, 2 ĐB khối, 7 ĐB còn lại ở các loại hình: Lực lượng vũ trang, y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, 4 ĐB chúng tôi đề cập dưới đây đang đối mặt với nhiều thách thức, nếu không có giải pháp kịp thời thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng sẽ khó khẳng định trong các đơn vị này.

Tháo gỡ để đổi mới

 

Các tổ chức cơ sở đảng đông đảng viên, có nhiều chi bộ trực thuộc, có vị trí quan trọng (về một trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng) có thể đặt trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương. (Quy định số 29-QĐ/TW của Ban Chấp hành TW  ngày 25 tháng 7 năm 2016 về thi hành Điều lệ Đảng).
 

ột ĐB có số đảng viên đông là ĐB Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy có 27 đồng chí, tất cả đều có học vị từ tiến sĩ trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân. Đảng ủy đã tập trung cho mục tiêu xây đội ngũ trình độ cao, phát triển ĐHTN thành trung tâm giáo dục lớn thứ 3 cả nước, nơi đào tạo nguồn nhân lực chính cho các tỉnh miền núi phía Bắc… Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật về chuyên môn, nhưng việc lãnh đạo xây dựng ĐB trong sạch, vững mạnh toàn diện và lãnh đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ chưa thực sự tốt.

 

Điển hình là tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở một số đơn vị thuộc ĐHTN vẫn xảy ra. Ngay như tại đại hội ĐB các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, có 3/11 chi, ĐB cơ sở bầu thiếu từ 1 đến 6 cấp uỷ viên; 4/11 chi, ĐB nhân sự quy hoạch Ban Thường vụ nhưng không trúng cấp uỷ (đến nay các tổ chức đảng này không đề nghị bổ sung); một số chi bộ trực thuộc không bầu được bí thư. Sau đại hội, một số chi, ĐB không lãnh đạo được đơn vị nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời là hiệu trưởng, chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ với chính quyền để vận hành bộ máy hiệu quả (cuối tháng 3-2017, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên mới kiện toàn được chức danh Hiệu trưởng). Công tác kiểm tra của ĐB chưa mạnh mẽ, quyết liệt, dẫn tới việc xử lý kỷ luật đảng viên theo kết luận kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp của cấp uỷ này kéo dài (có trường hợp hơn 6 năm chưa giải quyết dứt điểm).

 

Bí thư cấp ủy được bầu theo quy định của Điều lệ Đảng và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nơi không có Chủ tịch Hội đồng quản trị thì Bí thư cấp ủy đồng thời là Tổng giám đốc doanh nghiệp (trích Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13-2-2017).     

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên được Đảng uỷ ĐHTN xác định: Cấp uỷ viên các cấp chưa tinh thông đảng vụ nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; một số cấp uỷ viên trúng cử với số phiếu thấp nên đảng viên, quần chúng ít “tâm phục, khẩu phục”, nên chỉ đạo, điều hành gặp khó khăn; còn tình trạng nể nang, né tránh dẫn tới việc phê bình, tự phê bình đối với tổ chức đảng và đảng viên chưa kiên quyết; vai trò lãnh đạo của cấp uỷ còn mờ nhạt so với vai trò lãnh đạo của chính quyền. Ngoài ra, một nguyên nhân dễ nhận thấy là thiếu cán bộ chuyên trách. Với trên 3.200 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi, ĐB cơ sở, lãnh đạo trên 4.000 cán bộ, giảng viên và trên 70.000 học sinh, sinh viên, nhưng số cán bộ chuyên trách của ĐB chỉ vỏn vẹn 5 người thuộc Văn phòng Đảng uỷ, còn các ban: Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo, Dân vận đều kiêm nhiệm. Ngay như đồng chí Phạm Hồng Quang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cũng đảm nhiệm công việc chính là Hiệu trưởng một trường đại học thành viên. Đồng chí Quang đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng có cấp phó chuyên trách và kinh phí để hoạt động, nhưng chưa được giải quyết.

 

 Tổ chức nhỏ, trách nhiệm to

 

Nếu như ĐB ĐHTN có đến 3.200 đảng viên, thì số đảng viên của ĐB Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp Thái Nguyên chỉ bằng 1/14. Đây cũng là ĐB có số đảng viên ít nhất trong 19 ĐB trực thuộc Tỉnh ủy.

 

Thành lập đã 17 năm (được tách ra từ Công ty Vật liệu xây dựng) nên khi cổ phần hóa, cơ cấu ngành nghề của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp Thái Nguyên thay đổi đáng kể: Quy mô lao động giảm từ 2.000 người xuống còn 1.250 người. Số đảng viên của ĐB giảm từ 375 xuống còn 230 người. ĐB hiện có 6 chi, đảng bộ cơ sở, tổ chức theo 5 đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc, nằm rải rác ở trong và ngoài tỉnh (trừ Chi bộ cơ quan Công ty). Ban Thường vụ Đảng ủy có 4 người. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công đoàn. Đảng ủy cũng không thành lập các ban tham mưu về xây dựng Đảng, chỉ có một cán bộ văn phòng tổng hợp giúp việc Bí thư về Đảng vụ.

 

Nói về thuận lợi, khó khăn khi là tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, đồng chí Lâm Văn Hưu, Bí thư Đảng ủy cho biết: Chúng tôi được lĩnh hội trực tiếp sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Khó khăn đáng kể nhất là phải triển khai, xử lý nhiều văn bản của cấp trên, dự nhiều cuộc họp, trong khi nhân lực hạn chế, khó bố trí thêm người vì chủ trương tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, nếu ĐB trở thành tổ chức cơ sở đảng sẽ hạn chế thẩm quyền (ví dụ kết nạp hoặc khai trừ đảng viên) và khó tổ chức sinh hoạt toàn Đảng bộ 6 tháng một lần theo Điều lệ Đảng.

 

Tương tự ĐB Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp là ĐB Công ty CP Kim loại màu (Vimico) Thành lập đã 37 năm, ĐB khi đó gồm 6 tổ chức cơ sở Đảng đặt ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn), với trên 900 đảng viên. Những năm sau đó, quy mô Công ty liên tục mở rộng bằng việc tiếp nhận thêm một số đơn vị sản xuất kinh doanh khu vực phía Bắc. Đảng bộ có 22 chi, đảng bộ cơ sở, số lượng đảng viên có thời điểm lên tới trên 1.000 người. Nhưng quy mô ĐB thay đổi do chuyển giao tổ chức Đảng về sinh hoạt theo lãnh thổ. Hiện nay, ĐB chỉ có 3 ĐB cơ sở và 13 chi bộ trực thuộc với 521 đảng viên. Các đảng ủy viên đều lãnh đạo các đơn vị, bộ phận. Mọi công việc của ĐB do đồng chí Phó Bí thư Thường trực đảm nhiệm. Để thực hiện vai trò lãnh đạo, Đảng ủy kết hợp sinh hoạt Đảng lồng ghép với các cuộc họp về chuyên môn. Đồng chí Bùi Tiến Hải, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên thẳng thắn: Với quy mô hoạt động cũng như vị trí, vai trò của đơn vị với tỉnh như hiện nay, tôi nghĩ ĐB có thể “thu nhỏ” thành Đảng bộ cơ sở sẽ phù hợp hơn…

 

Một trong những việc mới và đáng quan tâm của các ĐB cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối là thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13-2-2017. Trong đó quy định Bí thư Đảng ủy phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đồng chí Bùi Tiến Hải cho rằng đây là quy định chưa phù hợp. Cụ thể ở Công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị làm việc ở Tổng Công ty (Hà Nội), không trực tiếp điều hành, quản lý, không chịu trách nhiệm pháp luật của Công ty sẽ khó đảm đương vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với đơn vị.

 

Và còn nhiều bất cập khác

 

Một thời được coi là “trái tim” của Thái Nguyên, đến nay tuy “phong độ” không còn như trước, nhưng ĐB Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn là ĐB lớn với gần 2.000 đảng viên (trên tổng số hơn 5.000 người lao động), sinh hoạt tại 37 tổ chức cơ sở đảng. Đảng ủy Công ty có 1 Bí thư và 1 Phó Bí thư chuyên trách, 4 cơ quan tham mưu giúp việc (mỗi ban có từ 1 đến 2 người kiêm nhiệm). Việc xây dựng tổ chức bộ máy có trách nhiệm lãnh đạo của Đảng ủy, nhưng quyền quyết định thuộc về Hội đồng quản trị nên đòi hỏi quá trình hiệp thương, hợp tác kiên trì giữa hai bên. Kinh phí hoạt động của tổ chức Đảng hạn hẹp, phụ thuộc vào phê duyệt của Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty.

 

Vì Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên có số vốn Nhà nước chiếm trên 77% nên sắp tới ĐB Công ty phải thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (như trên đã đề cập). Đồng nghĩa với việc các chức danh lãnh đạo Đảng ủy sẽ phải kiêm nhiệm chức danh quản lý, các ban tham mưu của Đảng ủy phải được sắp xếp, nhất thể hóa với các phòng liên quan.

 

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phân tích: Tổ chức Đảng trong Công ty CP Gang thép hiện nay là khá phù hợp với mô hình công ty CP vốn Nhà nước chi phối. Công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tinh giản, tinh gọn bộ máy, nhưng riêng bộ máy của Đảng trong đơn vị sẽ rất khó tinh giản tiếp. Việc thực hiện Quy định số 69 của Ban Bí thư sẽ góp phần để bộ máy tinh gọn hơn, nhưng sẽ khó đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc, nhất là đảng vụ. Việc sắp xếp, bố trí nhân sự theo Quy định cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Chúng tôi mong cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng, hiệu quả Quy định này.

 

Trên đây là những gì chúng tôi nắm bắt được ở một số đảng bộ cấp trên cơ sở. Hiện thực cuộc sống đang yêu cầu cần được điều chỉnh về quy mô, tháo gỡ các khó khăn để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

 

Thay lời kết

 

Như vậy, từ bài báo ra ngày 10-4 đến bài báo ra hôm nay, 14-4, các phóng viên Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Thái Nguyên đã có 5 bài đề cập đến 2 nội dung chính của Đề án TW6 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để đáp ứng yêu cầu của Đề án: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc; những nội dung không phù hợp với thực tiễn; chỉ rõ nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện”, chúng tôi đã đưa đến bạn đọc tiếng nói chân thực, trách nhiệm của những người đang làm việc trực tiếp ở cơ sở. Chúng tôi xin chuyển mong muốn của họ tới Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trung ương Đảng xem xét, điều chỉnh những gì chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, để ý Đảng và lòng Dân luôn đồng hành trên con đường phát triển.

Nhóm P.V Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: