Thanh Ninh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, ở xóm Phú Yên trồng được 4 sào ớt, trung bình mỗi sào cho thu lãi khoảng 25 triệu đồng. |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại là một trong những giải pháp được Đảng bộ xã Thanh Ninh (Phú Bình) chú trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế. Cách làm này đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã…
Đảng bộ xã Thanh Ninh hiện có 235 đảng viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ, trong đó có 14 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ cơ quan. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở Thanh Ninh đã bám sát các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế để triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Cùng với đó, Đảng bộ xã chỉ đạo chính quyền địa phương, các chi bộ cơ sở tập trung thực hiện một số đề án sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình, đưa giống cây, con mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: trồng dưa chuột xuất khẩu, trồng ớt thương phẩm, nhân rộng mô hình trồng rau cần kết hợp nuôi cá giống… Hiện nay, toàn xã Thanh Ninh đã có khoảng 38ha ớt, gần 20ha rau cần kết hợp nuôi cá, hơn 20ha dưa chuột.
Chúng tôi đến thăm xóm Phú Yên - một trong những xóm mạnh dạn chuyển đổi cây trồng ở xã Thanh Ninh. Ông Phạm Thái Hải, Bí thư Chi bộ xóm Phú Yên cho biết: Toàn xóm có 64 hộ dân, trước đây, bà con chủ yếu trồng ngô, lúa nên lương thực làm ra chỉ đủ dùng trong gia đình. Năm 2010, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, cụ thể là chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ớt thương phẩm, Chi bộ xóm Phú Yên đã tổ chức triển khai nghị quyết cấp trên và xây dựng nghị quyết của Chi bộ phù hợp với điều kiện thực tế ở xóm. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các đảng viên trong Chi bộ và quán triệt các đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chi bộ và sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân, diện tích trồng ớt ở xóm Phú Yên ngày càng tăng lên, hầu như nhà nào cũng dành ra ít nhất 1-2 sào để trồng. Đến nay toàn xóm có gần 90% số hộ trồng ớt trên tổng diện tích hơn 8ha, tăng hơn 6ha so với năm đầu tiên triển khai ở xóm. Với đầu ra ổn định, giá bán cao nên nguồn thu nhập của các hộ dân cũng được nâng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở xóm Phú Yên là 32 triệu đồng/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2010.
Một chi bộ điển hình nữa về thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là Chi bộ xóm Phú Thanh 2. Ông Nguyễn Đức Lâm, Bí thư Chi bộ xóm Phú Thanh 2, cho biết: Cách đây gần chục năm, Chi bộ và các tổ chức đoàn thể ở xóm này đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào mô hình trồng rau cần kết hợp nuôi cá. Xóm chọn hướng chuyển đổi này là do đa số diện tích đất ruộng ở đây nằm trong vùng đất trũng, năng suất lúa không cao, nếu muốn trồng cây khác thì chỉ có mô hình trên là thích hợp nhất. Để lãnh đạo hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng, Chi bộ xóm đã xây dựng nghị quyết và tổ chức cho các đảng viên, lãnh đạo xóm đi thăm quan một số mô hình trồng cần thả cá ở tỉnh Bắc Giang để học hỏi kinh nghiệm, sau đó về áp dụng thực hiện tại gia đình mình. Đồng thời Chi bộ xóm phân công các đảng viên phối hợp với trưởng các đoàn thể vận động, hướng dẫn những hộ dân có đất ruộng phù hợp thực hiện chuyển đổi theo mô hình này. Năm đầu tiên triển khai toàn xóm hơn 10 hộ tham gia, qua thu hoạch cho thấy mô hình trồng cần kết hợp nuôi cá đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đến nay, xóm có 75 hộ thì có gần 40 hộ trồng cần thả cá trên tổng diện tích gần 10ha.
Anh Nguyễn Văn Tráng, một hộ dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi đã chuyển đổi 12 sào ruộng cấy lúa nằm trong vùng đất trũng sang trồng cần kết hợp thả cá giống. Trung bình mỗi năm tôi được thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đây.
Không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây Đảng bộ và chính quyền xã Thanh Ninh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng, nâng cấp chuồng trại, chú trọng chất lượng con giống, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch, không để xảy ra dịch bệnh. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp về chế biến gỗ, gia công cơ khí, xây dựng cũng được khuyến khích phát triển.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Ninh cho biết: Để có được những kết quả trên, hàng năm, Đảng ủy xã đã chủ trì các cuộc họp mời UBND và các ban, ngành, đoàn thể đến dự để đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Từ đó chỉ ra những ưu, khuyết điểm để có hướng chỉ đạo, đề ra các chỉ tiêu trong năm tới. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí đảng ủy viên trực tiếp phụ trách ngành, lĩnh vực, địa bàn để chỉ đạo, vận động, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Tổ chức các cuộc họp mở rộng mời thêm bí thư chi bộ, trưởng xóm, các ngành, đoàn thể liên quan nhằm kiểm tra, nắm bắt quá trình triển khai nghị quyết ở cơ sở để kịp thời xử lý những vướng mắc, tồn tại nếu có. Đối với những mô hình sản xuất mới, sau một thời gian triển khai, UBND xã đều tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Trong thời gian tới, Đảng bộ xã Thanh Ninh sẽ tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu phấn đấu của xã đến năm 2020 giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt trên 130 triệu đồng (tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm (tăng 9 triệu đồng so với năm 2016)...