Nghi lễ trong sản xuất nông nghiệp của người Mông
Cũng giống như dân tộc Mông ở nhiều địa phương khác trong cả nước, ngươi Mông ở Thái Nguyên có nhiều nghi lễ đặc biệt trong đời sống hàng ngày.
Đối với người Mông đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nương rẫy nên họ có một số nghi lễ liên quan để biểu hiện ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Lễ đón mùa hoa màu mới (3/3): Vào ngày lễ này, các gia đình người Mông đều làm bánh, thịt một con gà, cắt một chùm hoa bằng giấy và mang theo ba chén rượu ra ngoài nương ngô để thắp hương. Chùm hoa bằng giấy đủ các màu được treo trên cây ngô với ước nguyện sau này ngô sẽ ra thật nhiều hoa. Chủ nhà thay mặt gia đình làm lễ cúng ngay trên nương để cầu cho một vụ hoa màu mới được bội thu.
Lễ mừng ngô ra bắp (5/5): là Tết mừng cho cây ngô sắp ra bắp. Vào dịp này người Mông thường thịt gà, thổi xôi, khấn thần trời, thần đất ăn uống vui vẻ và kiêng không đi thăm nương ngô với quan niệm đây là thời điểm nàng ngô đang ra hoa nên cần giữ yên tĩnh để ngô sinh sôi nhiều hạt.
Lễ mừng vụ thu hoạch hoa mầu (14/7): Đây là ngày con cháu đốt vàng hương gửi cho người chết ở thế giới bên kia và là lễ mừng vụ thu hoạch hoa màu. Tháng 7 là tháng thu hoạch ngô, loại lương thực phổ biến và chính yếu của người Mông nên lễ này thường kéo dài vài ngày. Vào những ngày lễ, mỗi gia đình bẻ một ít bắp ngô về luộc và thịt một con gà để lên bàn thờ cúng gia tiên. Một số gia đình khá giả còn làm bánh ngô nếp và thịt lợn cúng ông bà. Trong lời khấn người Mông thường cầu xin ông bà phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia đình ăn nên làm ra, vui vẻ, có sức khỏe dồi dào.
Ngoài ra, người Mông cũng duy trì nhiều nghi lễ khác: lễ giết sâu bọ (5/5), Tết trùng cửu (9/9)… trong những ngày này, các gia đình người Mông thường thịt gà, làm bánh cúng tổ tiên và tổ chức ăn uống.