Những tập tục liên quan đến nhà ở của người Sán Chay
Cộng đồng người Sán Chay ở Thái Nguyên có hai nhóm địa phương là Cao Lan và Sán Chí, tập trung ở các huyện: Phú Lương, Định Hóa, Đại từ. Người Sán Chay có những tập tục khá độc đáo liên quan đến nhà ở.
Người Sán Chay chọn hướng nhà là chọn hướng cửa chính, kiêng kỵ theo dòng họ. Họ Trần, La, Lý và Nịnh kiêng mở cửa ra hướng chính Bắc; họ Lâm, Lăng, Vi kiêng mở cửa ra hướng chính Nam; họ Âu, Hoàng, Hà kiêng mở cửa hướng chính Đông; họ Lục kiêng mở cửa hướng chính Tây.
Đối với người Sán Chay khi làm nhà việc trước tiên là dựng cột cái sau đó là dựng cột quân. Đàn ông chịu trách nhiệm dựng lên khung nhà, đàn bà vận chuyển các tấm gianh (thặp hà) để lợp. sau cùng là trải sàn và làm vách. Khi công việc dựng nhà đã hoàn tất, bất luận là vào ngày nào gia chủ cũng có thể tổ chức lễ lên nhà mới mà không cần phải chọn ngày đẹp.
Ngày vào nhà mới, gia chủ tổ chức lễ cúng (ón cội) với ý nghĩa cầu an (cạ slẹn cội). Người đàn ông chủ nhà tự cúng nếu không biết mới mời thầy. Lễ vật cúng gồm: Một sỏ lợn luộc, hoặc một con gà luộc, rượu, xôi hoặc cơm, tiền, vàng mã. Nội dung lời cúng đại ý: Con cháu báo với tổ tiên mình đã làm được nhà mới, mời ông bà tổ tiên (thỉnh mời hai đời ông bà, cha mẹ bên nội nếu đã chết) về chứng giám ăn uống và phù hộ con cháu khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, nhiều lúa, ngô, lợn, gà… Khấn xong gia chủ xin âm dương, nếu một sấp một ngửa thì có nghĩa là ông bà đồng ý, nếu không phải tiếp tục khấn và xin âm dương bao giờ được mới thôi.
Những kiêng kỵ về sinh hoạt trong nhà chủ yếu liên quan đến phụ nữ: Con dâu không được ngồi trước cửa ra vào; không được vào nơi ngủ của anh chồng, bố chồng; không được vào nơi thờ cúng tổ tiên. Riêng đối với con dâu họ La, sau khi sinh con 42 ngày mới được ra vào bằng cửa chính.