Tập quán làm nhà sàn của người Sán Chay ở Thái Nguyên

Cập nhật: Thứ bẩy 11/12/2010 - 15:44
Nhà sàn.
Nhà sàn.

Nhà sàn.Cộng đồng dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên gồm 2 nhóm địa phương: Cao Lan và Sán Chí. Người Cao Lan có nhiều tên tự gọi khác nhau: Cao Lan, Hờn Bán, Sán Chấy…, trong đó, tên gọi Sán Chấy là phổ biến hơn cả. Còn người Sán Chí tự nhận là: Sán Chay, Sán Chấy, Sán Chới…

Người Sán Chay chọn hướng làm hướng nhà là chọn hướng cửa chính, thường kiêng kỵ theo dòng họ. Các họ Trần, La, Lý và Nịnh kiêng mở của ra hướng chính Bắc; các họ Lâm, Lăng, Vi kiêng mở cửa ra hướng chính Nam; các họ Âu, Hoàng, Hà, Lương kiêng mở cửa ra hướng chính Tây. Dựng cột là việc quan trọng nhất nên phải chọn giờ tốt, ngày tốt. Ngày cất nóc cũng vậy, phải chọn được ngày tốt. Những ngày tốt gồm: Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu, Kỷ Dậu, Canh Tuất…, những ngày có các tinh tú như: Mão, Khuê, Dực, Chẩn, Phòng, Vĩ. Kiêng những ngày: Nhâm Thân, Quý Mão, Ất Tý, Giáp Thìn, Đinh Dậu, Giáp Ngọ, Bính Tuất, Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Bính Ngọ, Nhâm Tuất, Quý Hợi… Kỵ những ngày 1, 7, 13, 15, 22, 27, 28, 29 âm lịch. Họ Trần, La, Lý, Nịnh kiêng ngày Hợi; họ Hoàng kiêng ngày Dần; họ Lâm và họ Vi kiêng ngày Tỵ…

 

Khi làm nhà việc trước tiên là dựng cột cái, sau đó dựng các cột quân. Những người đàn ông chịu trách nhiệm dựng lên khung nhà, đàn bà vận chuyể các tấm giang (thặp thà) để lợp. Sau cùng là trải sàn và làm vách. Đơn vị đo đạc của người Sán Chay trong khi làm nhà là thước, thường được tính bằng độ dài tử khuỷu tay đến đầu ngón trỏ (khoảng 40cm). Trước đây, gia chủ thường không thuê thợ làm nhà vì sợ bị yểm, bị làm phản. Vì thế, những người trong cùng bản thường giúp nhau, dưới sự chỉ đạo của một số người có kinh nghiệm. Công cụ dựng nhà xưa kia khá thô sơ, chủ yếu gồm dao to (sán tộ), búa (phâu), rìu (vạn), đục (ta chạt); không dùng đinh sắt mà buộc bằng mây, lạt giang (hang tang mệt) và dây rừng (tăng). Khi công việc dựng nhà đã hoàn tất, bất luận vào ngày nào, gia chủ cũng có thể tổ chức lễ lên nhà mới.

 

Dù làm nhà sàn hay làm nhà đất, nhà xây gạch, người Sán Chí vẫn làm lễ lên nhà mới (sặn thắng ooc). Gia chủ tổ chức lễ cúng (ón cội) với ý nghĩa cầu an (cạ slẹn cội). Người đàn ông chủ nhà tự cúng lấy, nếu không biết thì phải nhờ thầy. Lễ vật gồm: Một sỏ lợn luộc, hoặc 1 con gà luộc, rượu, sôi hoặc cơm, tiền vàng mã. Nội dung cầu khấn đại ý: Con cháu báo với tổ tiên rằng mình đã làm được nhà mới, mời ông bà tổ tiên (thỉnh 2 đời ông bà, cha mẹ bên nội nếu đã chết) chứng giám, ăn uống, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, nhiều lúa, ngô, lợn, gà… Khấn xong, gia chủ xin âm dương, nếu được 1 sấp, 1 ngửa là ông bà tổ tiên đã đồng ý, nếu không phải tiếp tục khấn và xin âm dương, bao giờ được mới thôi.

 

Những kiêng kỵ về sinh hoạt trong ngôi nhà sàn chủ yếu liên quan tới phụ nữ. Con dâu không được ngồi trước cửa ra vào; không được vào nơi ngủ của anh chồng, bố chồng, không được vào nơi thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt là vào những ngày có kinh nguyệt, phụ nữ không được bén mảng đến những nơi đó. Riêng đối với con dâu họ La, sau khi sinh con 42 ngày mới được ra – vào bằng cửa chính.

TNĐT (g/t)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: